Advertisement
Sự phát triển của Metaverse là một cơ hội lớn cho ngành công nghiệp thời trang tiến dần tới mục tiêu trở thành đế chế toàn cầu, bao gồm cả các thương hiệu cao cấp lớn và người tiêu dùng bán lẻ.
Điều kỳ diệu bắt đầu từ một bài đăng của Kat Taylor Cattytay cách đây 5 năm (2017) với tựa đề “Thời trang kỹ thuật số!!!”. Tuy nhiên trong thực tế, bước chân của ngành thời trang vào kỷ nguyên kỹ thuật số chỉ mới bắt đầu thực sự bùng nổ từ 2020.
Mở màn với sự hợp tác của những cái tên hàng đầu như Adidas, Off-White, Vetements và Balenciaga – đây là những ông lớn ngành thời trang đã quan tâm đến việc giới thiệu số hóa thời trang trước cả khi nó xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Vào thời điểm đó dịch Covid-19 vẫn chưa xuất hiện, vì thế thời trang kỹ thuật số là một điều gì đó xa vời. Tuy nhiên, điều đó đã thực sự xảy ra, số hóa thời trang đang dần định hình được tương lai của ngành công nghiệp này trong thế giới ảo.
Tất cả chúng ta đều có thể đã có trải nghiệm tương tác với quần áo kỹ thuật số trong các trò chơi trên máy tính trước Kat Taylor Cattytay, tuy nhiên so với thời trang kỹ thuật số thực sự thì còn khác xa.
Trong trò chơi không có quá nhiều lựa chọn, mọi thứ chỉ xoay quanh những chiếc quần jeans và áo sơ mi trong Sims, hay những bộ giáp khác nhau trong Shooters. Nhưng chắc chắn trong tương lai gần chúng ta có thể thử giày thể thao hàng hiệu thông qua ứng dụng đặc biệt.
Điều này đã từng xảy ra vào tháng 3 năm 2021 với sự hợp tác giữa Gucci và công ty Belarusian Wanna. Đôi giày thể thao ảo đầu tiên có thể được mua trong ứng dụng Gucci với giá 12,99 đô la và chúng có thể được thử trong Wanna Kiks với giá 9 đô la. Trong đó, ngoài giày thể thao, bạn có thể mua các phụ kiện khác.
Từ đó, chúng ta có thêm khá nhiều câu hỏi: Tại sao mọi người lại muốn mua sản phẩm thời trang kỹ thuật số? Họ tìm thấy điều gì ở chúng và sẽ làm gì với những sản phẩm như vậy? Những người yêu thích thời trang kỹ thuật số cho rằng đây là cách họ cứu môi trường.
Có một số người cho rằng: Không cần phải mua đồ thật cho một bức ảnh trên Instagram. Nhưng tiếp theo là gì? Phần trăm những người sẽ liên tục mua những sản phẩm kỹ thuật số qua các bài đăng trên mạng xã hội là bao nhiêu? Liệu điều này sẽ chỉ là nhất thời hay sẽ phát triển trường tồn theo thời gian?
Có một số tình huống có thể xảy ra. Điều đầu tiên và thực tế nhất là các phòng thử đồ kỹ thuật số. Bạn có thể thử những bộ quần áo mà bản thân đang cân nhắc mà không cần phải ra ngoài. Đây là một cách khai thác kỹ thuật số để thu hút khách hàng rất khôn ngoan. Một số cửa hàng đã và đang cố gắng triển khai tính năng này, nhưng hiện tại nó vẫn gặp phải khá nhiều rắc rối.
Nhìn chung vấn đề này cũng cho chúng ta cái nhìn tổng quan về thái độ của người dùng đối với thời trang kỹ thuật số. Trong khi nó chỉ giống như một trò chơi giải trí cho họ, thì đối với thương hiệu đây lại là một tiềm năng tiếp thị.
Thời trang kỹ thuật số và ngành công nghiệp trò chơi giải trí
Một trong những lĩnh vực để thời trang kỹ thuật số khai thác đó chính là trò chơi máy tính. Điển hình như sự hợp tác mang tính bước ngoặt giữa Balenciaga và Fortnite thông qua việc: khi mua một bộ phục trang lấy cảm hứng từ Balenciaga trong trò chơi sẽ cho bạn cơ hội mua một phần của nó trong đời thực.
Bạn có phong cách ăn mặc ngoài đời thực, và giờ nhân vật trong game của bạn cũng có trang phục của riêng nó. Skin/trang phục nhân vật đặc biệt như một cách một người thể hiện cá tính, cái tôi của họ. Không ai muốn sử dụng trang phục phổ thông mặc định sẵn của trò chơi cho cả trăm người như một.
Báo cáo từ trò chơi Fortnite cho biết họ thường kiếm tiền tốt từ việc bán các vật phẩm và dịch vụ trong game. Thống kê người dùng đã chi tới gần một tỷ đô la cho các giao dịch mua sắm cho các nhân vật trong trò chơi của họ.
Tuy nhiên, có một vấn đề về khả năng tương tác: Phục trang hoặc vật phẩm đã mua cho một nhân vật trong trò chơi này sẽ không hoạt động trong trò chơi khác. Theo cách đó, hiện chúng ta có các trang phục của Moschino cho The Sims và Gucci cho Tennis Clash.
Vào năm 2021, Balenciaga đã trình làng một bộ sưu tập ở định dạng chơi game, nơi tất cả các nhân vật đều mặc trang phục của mùa mới nhất. Điều này cho thấy ngành thời trang đã thực sự có sự giao thoa giữa tính thẩm mỹ trên mạng ảo và thế giới thực theo vòng tuần hoàn, những thứ mà trước đây chỉ có trong trò chơi điện tử nay đã có thể được mặc trong thế giới thực.
Kể từ khi Mark Zuckerberg công bố tạo ra Metaverse , có vẻ như thực tế số hóa và thực tế ảo đang ngày càng trở nên tự nhiên hơn, thậm chí đã hình thành một “bình thường mới”. Nó đơn giản có nghĩa là tất cả chúng ta sẽ cần sự tồn tại song song: xây nhà và mặc quần áo trong thực tế ảo cũng như trong thế giới thực cho dù đó là để gặp gỡ bạn bè, để giảng dạy các lớp học hay đàm phán kinh doanh.
Vì vậy, điều chúng ta thực sự cần quan tâm không chỉ là về thời trang kỹ thuật số mà còn về thiết kế kỹ thuật số. Liệu chúng ta có thể sở hữu những bức tranh ở dạng NFT treo trên tường trong tương lai? Điều này cũng rất có thể.
Xem thêm: Liệu Metaverse đã sẵn sàng cho đám cưới ảo và các thủ tục pháp lý?
Đế chế thời trang kỹ thuật số
Trong một thời gian ngắn, thị trường thời trang kỹ thuật số đã phát triển thành một đế chế khổng lồ, khiến hầu hết người dùng không thể hiểu nổi. Các doanh nhân khởi nghiệp phát triển những câu chuyện đẹp đẽ nơi chúng ta có thể nghe về sự bền vững, bảo vệ hành tinh và những thiết kế khác thường sẽ không bao giờ được thực hiện vì chúng đơn giản là phi thực tế cho việc sản xuất.
Các thương hiệu tận dụng thời trang kỹ thuật số như một cách phủ sóng thương hiệu, tuy nhiên có một sự thật rằng nó không khó có thể áp dụng một cách hoàn hảo và cũng không đạt được tính thẩm mỹ như thực tế mang lại. Ví dụ, trong thời kỳ đại dịch, thương hiệu Nga Alexander Terekhov đã tung ra một chương trình khuyến mại mà những chiếc váy thời trang cao cấp của anh ấy có thể được đặt trên ảnh với giá 50 đô la.
Theo nhận xét từ những người tham gia, có rất nhiều sự cố xảy ra như bị trễ thời hạn giao do ảnh chụp không vừa và trang phục không phù hợp với khách hàng. Tuy nhiên, thương hiệu đã nhận được cơ hội phủ sóng mong muốn trên các phương tiện truyền thông.
Có thể nói, thời trang kỹ thuật số sẽ trở thành một công cụ tiềm năng để quảng bá thương hiệu và tạo ra cơ hội tăng doanh thu cho các công ty khởi nghiệp và nhà thiết kế kỹ thuật số.
Liệu các giám đốc điều hành của Metaverse có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp thời trang kỹ thuật số để quảng bá những ý tưởng thời trang mới cho đại chúng hay không? Các thương hiệu sẽ hòa hợp với nhau như thế nào? Sẽ có những chuỗi cửa hàng lớn riêng biệt hay tất cả quần áo sẽ xuất hiện với một cú nhấp chuột? Chúng ta sẽ đối phó với hàng giả như thế nào và liệu các thương hiệu có hợp nhất thành một thứ gì đó lớn hơn không?
Mặc dù vẫn còn vô số câu hỏi ngỏ về ngành công nghiệp này và về tính ứng dụng thực sự của chúng thì rõ ràng, đây vẫn đang là một chủ đề thú vị và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng nói chung.