Advertisement
Các khủng hoảng địa chính trị như chiến tranh Nga - Ukraine đang làm đảo ngược kỷ nguyên toàn cầu hóa, nơi mà mọi người tận hưởng chi phí thấp hơn vì sự mở rộng của thương mại tự do và sử dụng nguồn nhân lực nước ngoài.
Chiến tranh giữa Nga và Ukraine đem lại khái niệm “đảo ngược toàn cầu hóa” vào trong những cuộc đối thoại về kinh tế và địa chính trị. Các nhà phân tích tiền mã hóa nói rằng xu hướng này có thể dẫn tới những ảnh hưởng lớn đối với thị trường Bitcoin (BTC).
Sự đứt quãng của hệ thống kết nối toàn cầu được xây dựng kể từ khi Xô Viết sụp đổ năm 1991 có thể khiến các con đường thương mại và nguồn cung phân mảnh quay trở lại. Các nhà kinh tế học nói rằng điều này có thể khiến một số mặt hàng hoặc sản phẩm đắt hơn trong khu vực, đẩy giá tiêu dùng lên tại thời điểm lạm phát Mỹ tăng cao nhất trong vòng bốn thập kỷ qua.
Nhiều nhà đầu tư xem Bitcoin như một cách phòng ngừa lạm phát. Vì vậy nhiều nhà giao dịch có thể coi sự đảo ngược toàn cầu hóa là một lý do để đầu tư vào đồng tiền mã hóa giá trị lớn nhất thị trường này.
Đảo ngược toàn cầu hóa là gì?
Trong vài thập kỷ qua, xu hướng toàn cầu hóa đã tạo ra một kỷ nguyên mà các chính phủ và tập đoàn thúc đẩy thương mại tự do và sử dụng nguồn nhân lực nước ngoài lớn hơn. Một nguyên tắc kinh tế được áp dụng là “lợi thế cạnh tranh” – ý tưởng rằng một quốc gia có thể sản xuất hàng tiêu dùng và dịch vụ rẻ hơn đối tác thương mại của họ.
Vì vậy, toàn cầu hóa giúp các quốc gia tận hưởng phí nhập khẩu thấp hơn.
Tuy nhiên, gần đây, xu hướng này đã thay đổi, khiến nhiều học giả dự báo về một kỷ nguyên đảo ngược toàn cầu hóa. Xu hướng này bắt đầu vài năm trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nổ ra, sau đó trở nên tồi tệ hơn bởi dịch bệnh corona và gần đây chiến tranh Nga – Ukraine khiến xu hướng này càng trầm trọng.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt quãng, việc xuất khẩu bị cản trở và Nga đã bị loại bỏ khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu thống trị bởi đồng đô la do các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ.
“Sự xâm chiếm của Nga sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế toàn cầu vì việc xuất khẩu hạn chế từ Ukraine và Nga, đặc biệt là năng lượng, thực phẩm, phân bón và các mặt hàng khác”, Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, cho biết trong một bài phát biểu hôm 13/4. “Khi Nga quyết định xâm chiếm Ukraine, họ đã xác định sẽ ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Các nhà lãnh đạo tại Nga biết rằng chúng ta sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt hà khắc”.
Đảo ngược toàn cầu hóa ảnh hưởng tới nền kinh tế thế nào?
Khi việc trao đổi các mặt hàng và hàng hóa trên toàn cầu ngày càng bị gián đoạn, giá bán lẻ của sản phẩm có thể tăng lên và góp phần gây ra lạm phát.
“Việc Nga tấn công Ukraine đang gây ra thiếu hụt về dầu và khí đốt, lúa mì, niken, neon và các loại hàng hóa khác”, Erica Groshen, nhà nghiên cứu trước đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, hiện đang là cố vấn kinh tế cấp cao của trường Đại học quan hệ lao động và công nghiệp Cornell, cho biết. “Những loại thiếu hụt này dẫn tới giá tăng cao và đồng thời chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề mà dịch bệnh để lại”.
Groshen cũng nói rằng đảo ngược toàn cầu hóa cũng gây ra những bất ổn, để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với các hoạt động kinh tế.
Mặc cho những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong việc chống lại lạm phát bằng cách tăng lãi suất và có thể thu hẹp báo cáo tài chính, có vẻ như giá cả sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Sự phân mảnh ngày càng tăng cũng có thể tác động tới sự thống trị của đồng đô la Mỹ đối với nền thương mại toàn cầu.
“Ngay cả trong tình huống này thì đồng đô la vẫn sẽ là tiền tệ chính toàn cầu, nhưng sự phân mảnh ở mức độ thấp chắc chắn có thể xảy ra”, Gita Gopinath, Phó Giám đốc Điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết. “Điều này đã bắt đầu xảy ra khi nhiều quốc gia đang cân nhắc lại về tiền tệ họ nhận được cho các giao dịch”.
Larry Fink, nhà sáng lập BlackRock (BLK), công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, nói rằng “Trong khi các công ty và chính phủ đang cân nhắc lại việc phụ thuộc vào năng lượng của Nga thì họ cũng đang cân nhắc lại sự phụ thuộc của họ với các quốc gia khác”.
“Điều này có thể khiến các công ty sản xuất tại chỗ hoặc gần thị trường tiêu thụ hơn, gây ra việc rút lui nhanh chóng của nhiều công ty tại các quốc gia khác”, Fink cho biết. “Sự tái định hướng chuỗi cung ứng trên quy mô lớn sẽ gây ra lạm phát”.
Xem thêm: Những điều cần biết về tiền mã hóa và lạm phát
Đảo ngược toàn cầu hóa có ảnh hưởng đến giá Bitcoin thế nào?
Nhiều nhà phân tích nói rằng Bitcoin có thể là biện pháp phòng ngừa lạm phát giống như vàng và nền kinh tế hiện tại sẽ kiểm chứng cho điều đó.
Một mặt, giá tiêu dùng cao hơn – hay sức mua của đồng đô la giảm – có thể khiến Bitcoin trở nên hấp dẫn hơn vì nguồn cung của loại tiền mã hóa này là cố định. Nhiều nhà đầu tư cho rằng Bitcoin là loại tiền “cứng” hơn đồng đô la vì Cục Dự trữ Liên bang luôn có thể in thêm tiền giấy.
Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang cũng có thể làm giảm lạm phát bằng cách thắt chặt các chính sách về tiền tệ, điều này có thể kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và gây sức ép tới giá chứng khoán. Gần đây, Bitcoin cũng có mối tương quan bất thường với chứng khoán. Lần cuối cùng Mỹ chứng kiến mức lạm phát tăng cao như hiện tại là đầu những năm 1980. Paul Volcker, người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang lúc bấy giờ, đã nâng lãi suất lên gần 20%.
“Giá Bitcoin sẽ biến động thế nào trong môi trường lạm phát là chưa rõ”, Garrick Hileman, nhà nghiên cứu Blockchain tại trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cho hay. “Chúng ta không có hàng nghìn năm trong lịch sử như vàng để có thể kiểm chứng. Đây là lần đầu tiên Bitcoin gặp phải chu kỳ lạm phát cao như vậy”.