Advertisement
Trước khi sụp đổ, FTX tạo sự khác biệt với các đối thủ trong ngành công nghiệp tiền mã hoá bằng cách khẳng định họ là sàn giao dịch “được quản lý chặt chẽ nhất” trên thế giới. FTX còn tự tin kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền thực hiện quản lý sâu sát hơn, theo Reuters.
Các hồ sơ mà Reuters tiếp cận được mới đây đã cho thấy chiến lược và kỹ thuật đằng sau cách Sam Bankman-Fried, người sáng lập của FTX, tương tác với các cơ quan quản lý, bao gồm những thoả thuận chưa được công bố trong một thương vụ được chia sẻ hồi đầu năm nay với IEX Group, một nền tảng giao dịch chứng khoán Mỹ.
Theo một tài liệu vào ngày 7/6, Bankman-Fried sẽ mua lại 10% cổ phần IEX đồng thời có quyền mua lại toàn bộ nó trong 2,5 năm tiếp theo. Đổi lại, Bankman-Fried sẽ có cơ hội được vận đồng hành lang với cơ quan quản lý của IEX, Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), về các quy định liên quan đến tiền mã hoá.
Thương vụ nói trên và các nội dung khác được nhắc đến trong tài liệu, bao gồm biên bản họp, cập nhật kinh doanh và các hồ sơ chiến lược khác, đã vẽ lên tham vọng lớn của FTX: nhanh chóng tạo ra một khung quản lý phù hợp cho nó bằng cách mua cổ phần trong các công ty đã có giấy phép hoạt động từ cơ quan quản lý, từ đó cắt ngắn thời gian cần thiết để có thể được phê duyệt.
Reuters cho biết FTX đã chi khoảng 2 tỷ USD để “thâu tóm cho mục đích quản lý, điều hành”. Ví dụ, năm ngoái, FTX mua LedgerX LLC, một sàn giao dịch hợp đồng tương lai. Sau thương vụ này, FTX có 3 giấy phép từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC). Giấy phép này giúp FTX có thể tiếp cận thị trường phát sinh hàng hoá Mỹ như một sàn giao dịch được quản lý.
Xem thêm:
Với FTX, việc xây dựng hình ảnh một sàn giao dịch chính thống cũng là cách để thu hút thêm vốn từ các nhà đầu tư lớn. Tài liệu mà Reuters có được cho thấy FTX đã dùng các giấy phép sở hữu như một lợi thế cạnh tranh lớn.
“FTX là một thương hiệu sạch sẽ nhất ở mảng tiền mã hoá”, FTX khẳng định trong một tài liệu dành cho các nhà đầu tư vào tháng 6.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vox trong tuần trước, Bankman-Fried thể hiện một thái độ thay đổi 180 độ về vấn đề này và nói rằng đây “chỉ là trò PR”.
Người phát ngôn của IEX từ chối xác nhận các chi tiết về giao dịch FTX, ngoài trừ việc khẳng định rằng “cổ phần nhỏ” của FTX trong IEX không thể được bán cho một bên thứ 3 khi không có sự đồng ý của IEX. “Chúng tôi đang đánh giá các lựa chọn mang tính pháp lý liên quan đến giao dịch trước đây”, người này nói.
Mặc dù FTX nằm dưới sự kiểm soát thông qua một số giấy phép nó sở hữu, điều này không giúp bảo vệ được khách hàng và các nhà đầu tư, những người đang đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ USD. Trước đó, Reuters đưa tin FTX được cho là đã bí mật dùng tiền của khách hàng với các mục đích rủi ro như hỗ trợ một công ty đầu tư do chính Bankman-Fried sở hữu.
4 luật sư nhận định việc Bankman-Fried tương tác với các cơ quan điều hành trong khi vẫn đặt tiền của khách hàng vào các mục đích rủi ro nhưng không ai nhận ra cho thấy một lỗ hổng trong quản lý ngành công nghiệp tiền mã hoá.
Một nguồn tin thân cận về tiền mã hoá nói rằng SEC tin các công ty tiền mã hoá đang hoạt động bất hợp pháp bên ngoài luật chứng khoán Mỹ. Thay vào đó, chúng hoạt động dựa trên các giấy phép khác mà thường không có nhiều cơ chế bảo vệ người tiêu dùng.
Tham vọng thâu tóm “giấy phép” của FTX
Bankman-Fried có tham vọng lớn đối với FTX ngay từ khi khởi động dự án này vào năm 2019. Ông muốn xây dựng một ứng dụng tài chính nơi người dùng có thể giao dịch chứng khoán và token, chuyển tiền và giao dịch ngân hàng, theo một tài liệu có tên “FTX Roadmap 2022”.
“Bước 1” cho mục tiêu này là “được cấp nhiều giấy phép nhất có thể một cách hợp lý”. “Một phần điều này là để đảm bảo chúng ta được quản lý và tuân thủ, một phần khác là để có thể mở rộng sản phẩm cung cấp”, tài liệu nêu.
Đây là lý do vì sao FTX mở rộng hoạt động thâu tóm, sáp nhập. Thay vì xin cấp phép từng giấy phép, quá trình có thể mất đến vài năm kèm theo nhiều câu hỏi hóc búa, Bankman-Fried quyết định sẽ mua chúng. Thế nhưng chiến lược này cũng có điểm hạn chế do nhiều khi công ty FTX mua lại không có chính xác loại giấy phép mà nó cần.
Một trong những mục tiêu của FTX là mở cửa thị trường Phái sinh Mỹ với khách hàng của mình. FTX ước tính động thái này có thể nâng khối lượng giao dịch lên 50 tỷ USD/ngày cùng với đó là nhiều triệu USD doanh thu. Để làm điều này, FTX cần thuyết phục CFTC sửa đổi một giấy phép mà LedgerX có.
Quá trình này mất nhiều tháng và FTX đã dành 250 triệu USD để lập một quỹ bảo hiểm phá sản như yêu cầu. FTX kỳ vọng CFTC có thể yêu cầu quy mô quỹ này lên tới 1 tỷ USD, theo một biên bản họp vào tháng 3.
FTX đã sụp đổ trước khi được cấp phép và hiện đã rút đơn đề nghị. Mua các công ty có giấy phép cũng có một lợi ích khác bởi nó giúp Bankman-Fried có thể tiếp cận được các cơ quan điều hành theo mong muốn.
Một ví dụ điển hình là thương vụ với IEX được công bố vào tháng 4. Trong một bài phỏng vấn với CNBC, Bankman-Fried và CEO IEX Brad Katsuyama nói rằng họ muốn “tạo ra cơ chế quản lý bảo vệ nhà đầu tư”. Điều quan trọng ở đây là “có sự minh bạch và bảo vệ trước lừa đảo”, Bankman-Fried nói.
Bankman-Fried được mời gặp Chủ tịch SEC Gary Gensler cùng nhiều lãnh đạo SEC khác cùng Katsuyama vào tháng 3.
Một nguồn tin thân cận với SEC nói rằng mục đích của cuộc họp này là để SEC biết trước thương vụ FTX – IEX và thảo luận khả năng IEX tạo ra một sàn giao dịch tài sản số. Vai trò của FTX là cung cấp hạ tầng giao dịch mã hoá. SEC từ chối kế hoạch ban đầu này.
Reuters không thể xác định được mức độ tương tác của Bankman-Fried với SEC sau đó. Trong suy nghĩ của SEC, Bankman-Fried chỉ đơn thuần là người đi cùng Katsuyama trong cuộc họp. Bankman-Fried gần như không nói gì trong suốt cuộc trao đổi này.
Dù vậy, FTX đã nói về điều này với các nhà đầu tư. Trong cuộc họp vào tháng 9 với hội đồng cố vấn, FTX nói các thảo luận với SEC đang diễn ra với tính xây dựng cao.
“Chúng tôi đang có vị thế tốt ở đó”, FTX nói. Một nguồn tin thân cận với SEC phản đối tuyên bố của FTX đồng thời khẳng định mọi thứ SEC làm để điều hành, quản lý giao dịch mã hoá đều cởi mở với tất cả những đối tượng tham gia thị trường.
Một tài liệu vào tháng 5 của FTX ghi lại việc FTX tương tác với nhiều nhà điều hành đơn lẻ. Tài liệu cho thấy trong hầu hết mọi trường hợp FTX đều giải quyết được các vấn đề phát sinh.
Ví dụ, hồi tháng 2, cơ quan chức năng Nam Phi phát đi cảnh báo với khách hàng rằng FTX và các sàn giao dịch tiền mã hoá khác không được phép vận hành tại đây. Vì thế, FTX đã đạt một thoả thuận thương mại với một sàn giao dịch địa phương để tiếp tục cung cấp dịch vụ. “FTX hiện tại được quản lý đầy đủ với những hoạt động tại Nam Phi”, FTX khẳng định.
Một tài liệu vào tháng 5 cho thấy FTX có những tương tác với SEC. Thời điểm đó, SEC thực hiện nhiều cuộc điều tra liên quan đến cách các công ty tiền mã hoá xử lý tiền gửi của người dùng. Một số công ty đang trả lãi dựa trên tiền gửi. Điều SEC cho rằng khiến chúng trở thành chứng khoán và cần được đăng ký theo quy định của SEC.
FTX nhấn mạnh điều tra của SEC cũng liên quan đến việc liệu tài sản có được đem đi cho vay không.
Tháng này, Reuters đăng tải báo cáo cho thấy FTX đã làm điều đó khi di chuyển hàng tỷ USD tiền gửi khách hàng tới công ty đầu tư của Bankman-Fried là Alameda Research.
Trong tài liệu tháng 5, FTX nói rằng các chuyên gia của SEC còn quan ngại về một vấn đề khác: một chương trình trả thưởng mà FTX đang thực hiện đối với khách hàng có thể là một cách trả lãi dựa trên tiền gửi mã hoá.
Theo tài liệu, FTX nói với cơ quan quản lý rằng nó không có các vấn đề giống sản phẩm từ các nhà cung cấp khác mà SEC đã từng điều tra.
“Chúng tôi xác nhận đây chỉ là một chương trình trả thưởng đơn thuần và không liên quan đến cho vay (hay các mục đích khác) cho tiền gửi”, FTX viết. SEC phản hồi rằng đã hoàn thành đợt “điều tra không chỉnh thức” và không cần thêm thông tin “ở thời điểm hiện tại”.
SEC không đưa ra bình luận về điều này. Trong một email gửi tới Reuters, Bankman-Fried viết: “Phản hồi của FTX là chính xác, chương trình trả thưởng tại Mỹ không liên quan đến cho vay tài sản”.
Source: cafebitcoin