Advertisement
Một phong trào mới chớm nở trong nền công nghiệp tiền mã hóa nói rằng họ có thể loại bỏ carbon khỏi không khí bằng cách giữ nó trong Blockchain. Liệu điều này có khả thi?
Tiền mã hóa đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với người yêu môi trường bởi lượng điện khổng lồ mà nó tiêu thụ cho mạng lưới, nhưng một bộ phận của nền công nghiệp này khẳng định rằng họ có thể giải quyết được 1 góc độ khác của cuộc khủng hoảng khí hậu: tín chỉ carbon Crypto.
Trong những năm tới, các công ty như Procter & Gamble (PG) và Nestle (NSRGY) hứa rằng họ sẽ “trung hòa carbon”, nghĩa là khi thải carbon ra thì họ cũng sẽ đồng thời ngăn chặn carbon xâm nhập vào bầu khí quyển tại nơi khác.
Một trong những cách mà các công ty này đạt được mục tiêu phát thải của họ là mua tín chỉ carbon – loại giấy chứng nhận cho một lượng CO2 đã được loại bỏ khỏi không khí bởi các hành động bảo tồn hoặc cắt giảm.
Trong khi nhiều người coi tín chỉ carbon là một giải pháp thiết thực với khủng hoảng khí hậu toàn cầu, những người khác cho rằng chúng chỉ làm vấn đề tệ hơn – mang lại cho những kẻ gây ô nhiễm quyền được thải ra nhiều hơn họ có thể.
Vậy nhưng, nhiều dự án tiền mã hóa đang ủng hộ tín chỉ carbon. Các dự án như Toucan, Regen và Moss nói rằng các tín chỉ carbon “on-chain” sẽ làm tăng sự minh bạch và cải thiện khả năng tiếp cận với thị trường tín chỉ carbon.
Từ những người kỳ cựu nhất trong ngành công nghiệp carbon và các nhà khoa học môi trường, tới những nhà đầu tư bán lẻ và kế toán đều đã tham gia vào phong trào tài chính tái tạo của tiền mã hóa, hay còn gọi là ReFi.
Tài chính tái tạo (Regenerative Finance) là việc ưu tiên dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực có tác động đến cộng đồng như vấn đề chủng tộc, kinh tế và môi trường; thay vì đầu tư vào những lĩnh vực có tác động xấu tới cộng đồng.
Nhưng mỗi người lại có một quan điểm khác nhau về việc tận dụng tiền mã hóa như thế nào và tới mức độ nào để giải quyết cuộc khủng hoảng của thời đại này?
Mối quan hệ của tiền mã hóa và môi trường
Ngày nay, khó có thể tìm được bài báo nào nói về tiền mã hóa và môi trường mà không nhắc tới khối năng lượng khổng lồ được tiêu thụ bởi hai nền tảng Blockchain lớn nhất, Bitcoin và Ethereum.
Cả hai mạng lưới này đều sử dụng cơ chế đồng thuận Proof-of-work (bằng chứng công việc) gây tiêu tốn năng lượng. Trong đó, một lượng máy tính lớn trên toàn thế giới cạnh tranh với nhau để xử lý các giao dịch, một hoạt động được gọi là “đào tiền mã hóa”.
Theo Chỉ số Tiêu thụ điện Bitcoin Cambridge (CBECI), việc khai thác tiền mã hóa tiêu tốn 135 TWh điện mỗi năm – nhiều hơn lượng điện mà Nauy tiêu thụ trong một năm. Theo ước tính của CBECI, Bitcoin – hay thường được gọi là “vàng mã hóa” – tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cả hoạt động đào vàng trong thế giới thực.
Tuy nhiên, nhiều người trong ngành công nghiệp nói rằng sự so sánh này là không chính xác – đặc biệt là khi cân nhắc khối năng lượng được sử dụng để đào tiền đến từ năng lượng tái tạo.
Hơn nữa, không phải nền tảng Blockchain nào cũng đòi hỏi năng lượng như nhau. Ngoài Bitcoin và Ethereum, hầu hết các nền tảng Blockchain khác sử dụng cơ chế đồng thuận Proof-Of-Stake (bằng chứng cổ phần – PoS) mang tính bền vững hơn. Ethereum đang trong quá trình chuyển đổi sang PoW, họ cho rằng điều này sẽ cắt giảm năng lượng tiêu tốn khoảng 99,95%.
Nhưng cho dù dấu chân carbon của tiền mã hóa có là bao nhiêu, sẽ phải mất một khoảng thời gian nữa thì công chúng mới thôi nhìn nhận công nghệ Blockchain như một mối đe dọa với môi trường.
Trong khi đó, phong trào ReFi đang đem lại một khía cạnh mới, thân thiện với môi trường hơn cho tiền mã hóa.
Tín chỉ carbon là gì?
Những đề xuất của ReFi trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu chủ yếu tập trung vào cải cách lại thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
Tín chỉ carbon – hay còn gọi là sự đền bù carbon – đại diện cho những dự án mà làm giảm khí thải hay loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển, như là bảo tồn rừng, xây trang trại gió và điện mặt trời, hoặc thu giữ khí metan.
Nhìn chung, một tín chỉ carbon biểu thị 1 tấn CO2 được loại bỏ khỏi môi trường. Đối với những người mua, nó biểu thị sự cho phép được thải một lượng carbon tương đương ra môi trường mà không bị kết tội (và nhiều khi được miễn thuế).
Thị trường carbon toàn cầu xuất hiện vào năm 1997 với Nghị định Kyoto, một hiệp ước quốc tế tạo ra tín chỉ carbon như một cách để các quốc gia đền bù cho lượng khí thải của mình. Đây là quy định được đặt ra bởi Công ước Khung Liên hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC).
Kể từ đó, nhiều tổ chức quốc tế đã bắt đầu thực hiện và bán tín chỉ carbon. Trong những năm gần đây, một thị trường carbon “tình nguyện” đã xuất hiện để cho phép các công ty có ý thức về môi trường – bao gồm nhiều công ty khai thác tiền mã hóa – có thể đền bù cho sự phát thải của họ nhiều hơn những gì chính phủ quy định.
Thách thức với việc thống kê carbon
Những người nghi hoặc về thống kê carbon chỉ ra nghiên cứu cho thấy rằng nhiều tín chỉ carbon không sạch với môi trường như nó thể hiện. Nhiều trường hợp được ghi lại về lừa đảo, tính hai lần và kế toán sáng tạo, tạo ra một lượng lớn tín chỉ carbon không đáng tin cậy.
Việc đo lường chính xác một dự án loại bỏ được bao nhiêu lượng khí CO2 khỏi môi trường là cực kỳ khó. Và những tín chỉ kém chất lượng có thể làm hại môi trường bằng việc cho phép các công ty bù đắp lượng khí thải của họ một cách hời hợt trong khi thải ra nhiều hơn lúc ban đầu.
Nhiều công ty sẵn sàng mua những tín chỉ rẻ tiền từ những dự án bảo tồn đáng nghi ngờ để đổi lấy một hình ảnh quan hệ công chúng tốt đẹp. Điều này nghĩa là những người bán tín chỉ tình nguyện có ít động lực hơn những người bán bắt buộc để thực hiện các hoạt động đo lường, báo cáo và xác minh (MRV) một cách chính xác.
Một thị trường carbon minh bạch hơn
Kiến nghị về carbon “on-chain” rất đơn giản: tích hợp thị trường carbon tình nguyện vào Blockchain và gắn cho mỗi tín chỉ một siêu dữ liệu. Những dữ liệu này sẽ xác minh chất lượng và nguồn gốc của nó một cách công khai. Những người muốn bù đắp cho lượng khí thải của họ sẽ được tiếp cận một thị trường carbon giá cả minh bạch và tính thanh khoản cao.
Khi được ra mắt vào tháng 10/2021, Toucan đã tạo ra một làn sóng gây nhiều tranh cãi về sự hợp tác với KlimaDAO – một nền tảng Blockchain mới được xây dựng và quản lý bởi một cộng đồng những người giữ token KLIMA giấu tên. Với sự giúp đỡ của Klima, Toucan đã tích hợp được 20 triệu tấn carbon lên Sidechain Polygon của Ethereum, chuyển 5% của tất cả các tín chỉ trên Verra, tổ chức đăng ký tín chỉ tình nguyện lớn nhất, thành token.
Việc tích hợp một tín chỉ với Blockchain của Toucan nghĩa là làm mất hiệu lực của tín chỉ đó trong cơ quan đăng ký ban đầu của nó để tránh bị tính hai lần. Sau đó, Toucan sẽ phát hành NFT đại diện cho tín chỉ này.
Nhưng một thách thức với thị trường carbon là các tín chỉ từ các dự án khác nhau không thể thay thế cho nhau được. Nói một cách khác, có nhiều nhóm dự án được cho là có hiệu quả hơn các dự án khác trong việc loại bỏ carbon khỏi môi trường. Vì vậy, giá của những tín chỉ này cũng khác nhau.
Thậm chí với một thị trường Blockchain mở, token TCO2 của Toucan cũng khó có thể trao đổi được vì mỗi token đại diện cho một dự án cụ thể. Nếu không có một lượng lớn TCO2 khác trên thị trường, mọi người khó có thể mua và bán những loại tín chỉ cụ thể. Theo ngôn ngữ của thị trường, TCO2 – hay tín chỉ carbon nói chung – đang thiếu tính thanh khoản.
Nhưng ngay cả khi Toucan sử dụng “bể thanh khoản” của DeFi để tạo ra cơ sở hạ tầng cho thị trường carbon thì điều này cũng vô nghĩa nếu như Toucan không thể thuyết phục mọi người cung cấp tín chỉ carbon vào bể. Đây là một đề nghị khó khăn khi hầu hết các tổ chức, bao gồm cả Verra, không sẵn sàng công nhận tính hợp pháp của tín chỉ được Toucan tích hợp vì chúng về cơ bản đã không còn hiệu lực khi được thêm vào “on-chain”.
Đó là khi Toucan cần sự giúp đỡ của KlimaDAO để cung cấp thanh khoản cho nền tảng này. “Hố đen Carbon” của KlimaDAO đã tập hợp 40.000 “Klimates” để cung cấp cho hệ sinh thái carbon “on-chain” của Toucan lượng CO2 mà họ cần. Không chỉ cung cấp tính thanh khoản cho thị trường carbon tiền mã hóa, Klima còn lập ra một nguyên tắc nền tảng trong việc thống kê carbon: giá của carbon càng cao thì càng tốt cho môi trường.
Trong một thời gian, chiến lược làm tăng giá carbon của Kilma đã có hiệu quả. Trong tuần đầu tiên, giá của KLIMA tăng vọt từ dưới 2.000 đô tới trên 3.000 đô. Trong khi đó, KlimaDAO còn phát hành hàng tấn token KLIMA cho những người giữ cổ phần của họ – những người khóa token của mình trong Hợp đồng thông minh mà họ không thể bán. Tại thời điểm đó, việc giữ cổ phần của KLIMA có thể khiến số dư của bạn tăng gấp 300 lần trong vòng một năm.
Tuy nhiên, dự án này nhanh chóng bị chỉ trích là mô hình Ponzi. Nghĩa là nếu có đủ người quyết định bán token KLIMA của họ, vòng lặp thông tin phản hồi sẽ nhanh chóng khiến giá đi xuống theo chiều xoắn ốc, dẫn tới hiệu ứng mà tất cả mọi người cuối cùng sẽ phải bán token của họ hoặc phải chịu rủi ro khi mọi thứ về con số 0.
Và điều này đã thành sự thật. Trong vòng chưa tới 2 tháng sau khi Klima và các dự án tương tự khác tăng vọt về giá và tạo ra cơn sốt trong DeFi, mô hình Ponzi này đã sụp đổ. Giá của KLIMA đã từng trên 3.200 đô, giờ chỉ còn 20 đô.
Bài học kinh nghiệm giá trị
Tuy nhiên, ngay cả khi Klima không tạo được mức tăng lớn trong giá của carbon thì ít nhất nó cũng đóng vai trò trong việc thúc đẩy hệ sinh thái carbon tiền mã hóa còn non nớt bằng cách giúp nó tiếp cận với hàng nghìn nhà đầu tư và cung cấp thanh khoản cần thiết.
Ít nhất thì thí nghiệm của Klima đã chứng minh được rằng nếu sử dụng một cách sáng tạo thì các công cụ của tiền mã hóa có thể tạo ra một dấu ấn trong nền thương mại carbon.
Nhưng cũng phải công nhận rằng, thị trường carbon Blockchain không phải là một giải pháp dễ dàng cho vấn đề khủng hoảng khí hậu.