Advertisement
Tiền điện tử, tiền mã hóa, cryptocurrency và bitcoin là gì?
Sau sự ra đời của Bitcoin vào 2008 và Ethereum vào 2015, sự bùng nổ mạnh mẽ của Cryptocurrency đã mở ra kỉ nguyên mới cho nhân loại: phi tập trung, minh bạch và chống kiểm duyệt.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn:
- Tái định nghĩa tiền là gì? Vai trò của tiền tệ.
- Bitcoin là gì? Cryptocurrency là gì?
- Định nghĩa & phân biệt các loại tiền: Tiền Fiat, tiền điện tử, tiền số, tiền mã hóa, tiền ảo.
- Có cái nhìn tổng quan về thị trường cryptocurrency .
Để hiểu được cryptocurrency là gì, trước tiên bạn đọc cần hiểu về bitcoin – đồng coin đầu tiên ra đời. Tuy nhiên, để thực sự hiểu được vai trò của bitcoin hay tại sao bitcoin lại có giá trị, bạn đọc cần hiểu về bản chất của tiền và sự ra đời của tiền tệ.
Tìm hiểu về kỳ quan mới của nhân loại đòi hỏi lượng kiến thức nền tương đối lớn. Vì vậy, hãy chuẩn bị 1 môi trường thoải mái và thư thái thời gian để cùng ecoinomic.io học sâu và có cái nhìn toàn cảnh về cryptocurrency – tiền mã hóa.
Chương I: Tiền là gì?
Khi tiền chưa ra đời, người ta phải trao đổi hàng hóa lấy hàng hóa. 1 Bao thóc lấy 4 con gà. 1 con bò lấy 10 bao gạo. 1 bao gạo lấy 2 bao thóc. 1 con gà lấy 30 quả trứng…..
Sẽ ra sao nếu không có tiền?
Thử hình dung các giao dịch cơ bản trong cuộc sống nếu không có tiền làm trung gian xem?
Người nuôi bò sẽ tự phải nhớ tỉ lệ quy đổi 1 con bò của họ lấy bao nhiêu bao gạo, bao nhiêu bao thóc, bao nhiêu quả trứng, bao nhiêu con gà,…
Tất cả những ai sản xuất hàng hóa sẽ phải tự ghi nhớ/ước tính/theo dõi tỉ giá quy đổi hàng hóa của họ lấy các sản phẩm khác.
Nếu người sản xuất chỉ để giá trị thành quả lao động mà họ làm ra ở thóc/gạo/bò/gà/trứng? Những hàng hóa đó rồi sẽ hỏng.
Rồi còn xe cộ, công cụ dụng cụ, quần áo, giày dép, dịch vụ, hàng hóa cơ bản,….?
Xin giới thiệu: “Tiền” – một thứ đứng giữa, cân-đo-đong-đếm được, làm trung gian cho mọi giao dịch
Sự ra đời của tiền tệ
Loại tiền được loài người sử dụng sớm nhất được coi là vỏ sò. Từ thời xa xưa, con người đã biết dùng vỏ sò để trao đổi hàng hoá qua lại. Nhiều nơi trên thế giới đã tìm thấy những di chỉ khảo cổ khẳng định người xưa dùng vỏ sò làm tiền.
Quả này thì mấy ông ở ven biển giàu to rồi. Cứ kiếm được bao nhiêu vỏ sò là mang đi đổi lấy gạo, bò, gà được.
Không phải vỏ sò nào cũng được người ta chấp nhận làm tiền. Có những nơi người ta sử dụng răng cá mập như là vật trao đổi trung gian. Ở nhiều nơi khác, tiền có thể là những chiếc lông chim sặc sỡ và những chiếc vỏ sò quý hiếm. Có nơi người ta còn dùng cọng lông cứng trên đuôi voi để làm tiền.
Mỗi vùng 1 tiền tệ. Răng cá mập, lông chim sặc sỡ, vỏ sò quý, và cả lông cứng trên đuôi con voi? Điểm chung giữa chúng: Sự khan hiếm.
Và rồi người ta tìm thấy vàng. Thứ kim loại khan hiếm và không bị hao mòn gỉ sét theo thời gian. Vàng được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận rộng rãi là vật quý hiếm và có thể lưu trữ, trao đổi giá trị.
Khi các quốc gia được hình thành, mỗi chính phủ tự phát hành 1 loại tiền tệ của riêng họ. Nhân danh luật pháp, chính phủ tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục (và dùng vũ lực nếu cần thiết) để tất cả các nhà sản xuất và người dân sử dụng tiền tệ mà họ in ra làm phương thức thanh toán chung trong trao đổi và lưu thông hàng hóa, dịch vụ.
Tiền do chính phủ phát hành được gọi là tiền định danh, tiền pháp định, hoặc tiền Fiat
Sẽ ra sao nếu chính phủ in quá nhiều tiền?
Chào mừng tới với Zimbabwe – ví dụ điển hình cho câu hỏi mà tôi đặt ra
Trong năm 2008, tỷ lệ Lạm Phát hàng tháng ở Zimbabwe đạt 3,5 triệu %. Một quả trứng có giá 50 tỷ đô la Zimbabwe. Một ổ bánh mì bằng giá của khoảng 12 chiếc xe hơi mới 10 năm trước đó.
Lạm phát đã đạt đỉnh điểm 500 tỷ % trước khi đồng nội tệ bị hủy bỏ để thay thế bằng đồng đô la Mỹ. Nền kinh tế Zimbabwe đến nay vẫn chưa thể phục hồi.
Tiền là gì? Vai trò của tiền tệ
Tiền là vật ngang giá trung gian, được mọi người chấp nhận sử dụng để trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
Theo Cac-Mac, tiền tệ là thứ hàng hoá đặc biệt, được tách ra khỏi thế giới hàng hoá, dùng để đo lường và biểu hiện giá trị của tất cả các loại hàng hoá khác. Nó thể hiện lao động xã hội và biểu hiện quan hệ sản xuất giữa những người sản xuất hàng hóa.
Tiền có các chức năng:
- Phương tiện trao đổi: Làm cho sự trao đổi hàng hoá giữa người này với người khác trở nên thuận lợi hơn. Phương tiện trao đổi là chức năng quan trọng nhất của tiền tệ.
- Thước đo giá trị: Tiền đo lường giá của các loại hàng hóa. Mỗi vật phẩm đều có giá trị khác nhau và được đo lường bằng giá trị của tiền tệ. Thước đo giá trị là hệ quả tất yếu của Phương tiện trao đổi.
Tiền chỉ đóng vai trò là phương tiện trao đổi trong chốc lát. Người ta đổi hàng hóa lấy tiền rồi lại dùng tiền để mua lại hàng hóa mà mình cần. Bản thân tiền giấy không có giá trị nội tại.
Thách thức của nhân loại
Vàng, răng cá mập, lông chim sặc sỡ, vỏ sò quý, và cả lông cứng trên đuôi con voi – Thứ khan hiếm.
So sánh với tiền giấy – thứ không khan hiếm và bị chính phủ kiểm soát.
2008, bitcoin – đồng tiền mã hóa đầu tiên ra đời để giải quyết bài toán trên.
Chương II: Cryptocurrency là gì? Tổng quan tiền mã hóa
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về cryptocurrency, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về Bitcoin. Nắm bắt những điều cơ bản về Bitcoin là điều cần thiết và là nền móng căn bản để hiểu về các đồng tiền số khác.
Bitcoin là gì?
Bitcoin (BTC) là đồng tiền mã hóa đầu tiên, và cho đến nay vẫn là đồng tiền điện tử được sử dụng phổ biến nhất. Nhờ vào công nghệ blockchain, Bitcoin tự động vận hành 24/7 và không có một ngân hàng trung ương nào quản lý nó.
Các đặc tính của bitcoin
Khan hiếm
Bitcoin có số lượng giới hạn chỉ 21 triệu đồng. Không có cách nào tạo ra vượt số đó.
Vì lý do này, Bitcoin thường được coi là không phụ thuộc vào lạm phát và thường được so sánh với vàng.
Có thể “đào” được
Các “thợ đào bitcoin” sử dụng máy tính để duy trì mạng lưới hoạt động 24/7. Bất cứ ai cũng có thể tham gia bằng cách tải xuống phần mềm nguồn mở.
Các máy tính gian lận dữ liệu sẽ bị loại khỏi mạng lưới thông qua thuật toán đồng thuận proof-of-work.
Giao dịch nhanh chóng, minh bạch & không kiểm duyệt
Các giao dịch bitcoin được xác minh trung bình 10 phút một lần. Điều này có nghĩa là bạn có thể sử dụng Bitcoin để gửi tiền ở bất kỳ đâu trên thế giới trong vòng 10 phút, ngay cả vào cuối tuần.
Không ai có thể ngăn bạn chuyển bitcoin. Code là luật. Toàn bộ mã nguồn cũng như các giao dịch của bitcoin đều minh bạch – ai cũng đều có thể theo dõi và xác minh các giao dịch chuyển BTC.
Giao dịch bitcoin nhanh hơn và rẻ hơn “tương đối” so với sử dụng các phương pháp chuyển khoản ngân hàng xuyên biên giới. Ngày nay, các đồng cryptocurrency ra đời sau đạt được tốc độ nhanh chóng gấp nhiều lần bitcoin.
Người sáng lập ra bitcoin là ai?
Satoshi Nakamoto được biết đến là nhà sáng lập và phát triển blockchain Bitcoin. Tất cả những gì chúng ta biết về Satoshi Nakamoto là đây là một nickname đã xuất bản công khai whitepaper cùng mã nguồn của Bitcoin trên Internet.
Đã có nhiều cuộc điều tra tìm hiểu danh tính thực sự của Satoshi Nakamoto là ai. Tuy nhiên, cho tới nay, danh tính người này vẫn là một dấu hỏi lớn. Ông đã ẩn mình khỏi nhân loại, để lại di sản của cuộc đời là blockchain.
Công nghệ chuỗi khối – Blockchain là gì?
Blockchain là một cơ sở dữ liệu (database) phân tán lưu trữ thông tin thành từng khối (block) được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian để tạo thành một chuỗi (chain). Mỗi block sẽ được liên kết với block trước đó, chứa thông tin về thời gian khởi tạo block, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch.
Hiểu đơn giản, Blockchain có thể được xem là 1 sổ cái cùng lúc được lưu trên nhiều máy tính khác nhau, chứa mọi thông tin giao dịch và đảm bảo các thông tin đó không thể bị thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào.
Mọi thông tin trước khi được lưu sẽ được xác nhận bởi hàng loạt máy tính kết nối trong một mạng lưới chung. Không một cỗ máy nào có khả năng thay đổi, viết đè lên hay xóa dữ liệu trong cuốn sổ cái đó.
Những người hoài nghi sẽ thấy khá khó tin khi nói có 1 thứ nào đó tự động vận hành mãi mãi. Hơn nữa, hiểu được cách bitcoin & blockchain vận hành đòi hỏi bạn có ít nhất có kinh nghiệm hoặc kiến thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bạn có thể xem bài viết chuyên sâu về bitcoin là gì và blockchain là gì tại ecoinomic.io
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi có thể tóm tắt dễ hiểu nhất cho bạn về blockchain như sau:
Nhiều máy tính cùng lưu trữ chung 1 dữ liệu: lịch sử giao dịch, số dư của mỗi người. Mạng máy tính đó sẽ tự động vận hành mãi mãi. Bất cứ khi nào & bất cứ ai chỉ cần kết nối internet đều có thể tham gia vào giao dịch 24/7. Máy tính nào có dữ liệu khác (cố tính gian lận/thay đổi dữ liệu) sẽ tự động bị loại. Để gian lận và “hack” được mạng lưới đòi hỏi 51% máy tính tham gia vào mạng lưới (trên toàn thế giới) bị hack cùng lúc.
Crypto là gì?
Tiền mã hóa – Cryptocurrency (thường được gọi tắt là crypto) là một tài sản số được bảo vệ bằng mật mã. Chúng hoạt động dựa trên blockchain cho phép truyền giá trị rẻ và nhanh hơn. Mạng phân tán giúp Cryptocurrency tăng cường khả năng bảo mật vì không có một lỗi tập trung nào.
Cryptocurrency và từ ghép từ crypto – mật mã và currency – tiền tệ.
Ưu điểm chính của tiền mã hóa bao gồm:
- Bất kì ai cũng có thể giao dịch – Tự do và bình đẳng quyền tiếp cận tài chính
- Giao dịch nhanh chóng và ít tốn kém
- Minh bạch & không có sự kiểm duyệt
Nếu không có sự phát triển của Internet và máy tính, sẽ không có blockchain. Nếu không có blockchain, sẽ không có cryptocurrency, bởi lẽ: nếu chúng ta định sử dụng 1 đồng “tiền ảo” nào đó được lưu trữ bằng máy tính và kỹ thuật số, sẽ không thể tin tưởng một tổ chức nào vì họ có khả năng thao túng thay đổi dữ liệu. (Giống như việc đào được một đống vỏ sò và chính phủ in thêm tiền ở đầu bài viết)
Kể cả tổ chức ấy có minh bạch và chính trực, tiền tệ của cả nhân loại sẽ được lưu trữ tập trung ở 1 nơi? Không điều gì đảm bảo database đó khỏi sự tấn công của các hacker, hoặc những tác động vật lý trực tiếp hay thảm họa thiên tai.
Kho dữ liệu – database lưu trữ tiền tệ của cả nhân loại phải được lưu trữ ở cùng lúc nhiều máy tính, càng nhiều càng tốt, và bất kể hành vi nào thao túng dữ liệu hoặc gây tổn hại cho mạng lưới sẽ bị phạt (giống như PoS vậy).
Hey, nhưng sẽ phải có 1 quy ước, quy tắc nào đó về cách các máy tính này lưu trữ dữ liệu chứ? 1 dữ liệu mới được thêm vào mạng lưới như thế nào? Ra sao? Điều gì xác minh tính đúng đắn của dữ liệu? Đó là blockchain.
Ah, tôi đã quên điều gì đó rồi thì phải! Đúng rồi. Ethereum. Nếu không có Ethereum thì sẽ không có thị trường cryptocurrency như ngày hôm nay.
Ethereum là gì?
Sẽ thế nào nếu như cùng nguyên tắc tự do, minh bạch, không kiểm duyệt, áp dụng cho tất cả ứng dụng trên Internet?
Ethereum là một blockchain để xây dựng ứng dụng và tổ chức, nắm giữ tài sản, giao dịch và giao tiếp mà không bị kiểm soát bởi cơ quan trung ương. Ethereum có cryptocurrency của riêng mình, Ether, được sử dụng để thanh toán cho các hoạt động nhất định trên mạng Ethereum.
Vẫn hơi khó hiểu đúng không?
Đơn giản hơn, Ethereum là blockchain và Ether (ETH) là cryptocurrency thứ 2 ra đời sau bitcoin (BTC). Tiếp thu công nghệ từ Bitcoin, Ethereum đạt được những thành tựu đáng kể: Tốc độ nhanh hơn, chi phí rẻ hơn, và ưu việt hơn cả: Smart contract – Hợp đồng thông minh.
Bạn đã bao giờ sử dụng một sản phẩm/ứng dụng mà nhà phát triển thay đổi điều khoản dịch vụ của nó? Hoặc loại bỏ một tính năng bạn thấy hữu ích?
Khi một Smart contract được xuất bản lên Ethereum, nó sẽ hoạt động miễn là Ethereum tồn tại. Ngay cả tác giả cũng không thể gỡ xuống. Vì Hợp đồng thông minh được tự động hóa nên chúng không phân biệt đối xử với bất kỳ người dùng nào. Code là luật. Và cộng đồng – những người nắm giữ coin/token sẽ biểu quyết những thay đổi/cập nhật của mạng lưới/ứng dụng.
Smart contract (Hợp đồng thông minh) chỉ đơn giản là các ứng dụng/chương trình/dòng lệnh tự chạy trên blockchain Ethereum. Chúng chỉ thực hiện khi được kích hoạt bởi người dùng (hoặc một hợp đồng khác).
Các ứng dụng đó gọi là Decentralize application (ứng dụng phi tập trung), viết tắt là Dapp.
Các ứng dụng đó có thể là game, mạng xã hội, nền tảng nghe nhạc, ứng dụng vay và cho vay, bảo hiểm,… Cơ bản là tất cả ứng dụng thông thường. Nhưng giờ thay vì người phát triển ứng dụng độc quyền điều khiển 1 đồng tiền ảo trong game, thì đồng tiền số đó nay được ứng dụng công nghệ blockchain, và được gọi là cryptocurrency – tiền mã hóa, thay vì tiền ảo.
Nhờ có sự ra đời của Ethereum & smart contract, bất cứ ai cũng có thể tạo ra các ứng dụng và đồng tiền số của riêng họ, hoạt động theo lập trình được định sẵn, minh bạch và phi tập trung.
Phân loại cryptocurrency
Có 2 cách để phân loại tiền mã hóa – cryptocurrency:
- Bitcoin và Altcoin
- Coin và Token.
Phân biệt bitcoin và Altcoin
- Khá dễ hiểu. Bitcoin (BTC) – the King – đồng coin ra đời đầu tiên. Tới nay vẫn là đồng coin lớn nhất chiếm >40% vốn hóa toàn thị trường cryptocurrency.
- Altcoin – viết tắt của Alternative coin – các đồng cryptocurrency ra đời sau bitcoin.
Mặc dù bị chỉ trích khá nhiều vì thuật toán PoW của Bitcoin tiêu tốn nhiều điện năng, nhiều người vẫn tin vào giá trị của BTC và so sánh nó như là “vàng kỹ thuật số”. Nếu so sánh bitcoin với vàng, có lẽ chức năng “lưu trữ giá trị” của bitcoin còn lớn hơn.
Phân biệt coin và token
- Coin có blockchain riêng của nó
- Token không có blockchain riêng mà hoạt động dựa trên nền tảng blockchain có cung cấp smart contract – hợp đồng thông minh
Luôn có máy tính tham gia vào mạng lưới xác thực giao dịch. Blockchain giống như các nhà mạng cung cấp dịch vụ lưu trữ trên Internet.
Thay vì tập trung vào đường truyền, mạng lưới, các DApp – ứng dụng phi tập trung chú trọng vào phát triển tính năng ứng dụng và nền kinh tế token của riêng họ. Đổi lại, các Dapp và người dùng phải trả phí khởi tạo hay giao dịch trên mạng lưới bằng coin gốc của blockchain đó.
Các đồng coin gốc của blockchain cung cấp smart contract để tạo ra các token khác được gọi là các coin nền tảng. Ví dụ như ETH (Ethereum), AVAX (Avalanche), SOL (Solana), ADA (Cardano),…
Vai trò của cryptocurrency – tiền mã hóa
Vậy là, phải sau màn dạo đầu chương I dài dòng cùng vô vàn thuật ngữ như: bitcoin là gì, blockchain là gì, Ethereum là gì, chúng ta mới tới được đây. Và có kiến thức căn bản đó thì ta mới thấu hiểu được vai trò của cryptocurrency đối với nhân loại là gì.
Vai trò là phương tiện lưu trữ giá trị
Trong lịch sử, vàng đã từng đóng vai trò như tiền tệ và là vật ngang giá trung gian trong thời gian dài. Vàng không phải là kim loại quý hiếm nhất trên thế giới, nhưng xuất hiện sớm trong lịch sử với vai trò như tiền tệ thanh toán, trao đổi hàng hóa phổ biến nhất của loài người.
Khi các quốc gia hình thành và chính phủ phát hành tiền tệ của họ riêng họ, vàng nhường lại vai trò làm vật ngang giá trung gian cho tiền chính phủ ban hành (được gọi là tiền Fiat – tiền pháp định).
Nhưng tiền giấy thì có thể in thêm, vàng vốn là thứ kim loại khan hiếm. Suốt hàng ngàn năm qua, vàng vẫn giữ được vai trò là vật trung gian lưu trữ giá trị bởi các đặc tính quan trọng nhất:
- Khan hiếm, khai thác khó khăn.
- Đồng nhất, dễ nhận biết, khó làm giả.
- Không bị hoen mòn gỉ sét theo thời gian, có thể cất trữ mãi mãi.
Để so sánh Bitcoin và vàng, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bảng so sánh sau:
Vàng | Bitcoin | |
---|---|---|
Sự khan hiếm | Cao
Chúng ta chỉ có thể công nhận là vàng khan hiếm chứ không thể biết số lượng chính xác của vàng là bao nhiêu. Thực tế, vẫn có thể khai thác/đào vàng hàng năm. |
Rất cao
Tối đa sẽ chỉ có 21 triệu đồng. Thậm chí, có thể ít hơn số đó do nhiều người mất đánh mất ví của họ vĩnh viễn. Đồng thời, lượng bitcoin trong ví của nhà sáng lập bí ẩn Satoshi Nakamoto trước giờ vẫn chưa “động đậy”. |
Đồng nhất, dễ nhận biết, khó làm giả | Cao
Vẫn có vàng 999 và vàng 9999. Vẫn có vàng không tinh khiết và vàng bị pha tạp. |
Tuyệt đối cao.
Không thể làm giả, không thể gian lận, mọi giao dịch đều được công khai toàn mạng lưới. |
Ứng dụng sản xuất | Làm trang sức, làm nguyên liệu sản xuất vi mạch điện tử và các hàng hóa khác | Không thể sản xuất hàng hóa. |
Chống kiểm duyệt | Chính phủ có thể kiểm soát thị trường vàng và tác động lên giá vàng | Không tổ chức nào có thể kiểm soát hoặc ngăn cấm giao dịch bitcoin |
Sự tiện lợi | Phụ thuộc vào cửa hàng mua bán vàng và giao dịch vật lý
Bạn bắt buộc phải mua vàng theo khối lượng quy định trước. |
Giao dịch 24/7, chuyển bitcoin toàn thế giới chỉ sau 10 phút.
Không bắt buộc phải mua 1 BTC, bạn có thể chỉ mua 0,0000001 BTC |
Độ bền | Mạnh | Mạnh |
Bitcoin có thể thay thế vàng chứ? Chúng ta còn ở những giai đoạn quá mới của thị trường tiền điện tử. Một câu trả lời tuyệt đối vào thời điểm này sẽ là không công bằng.
Chúng ta chỉ có thể biết rằng, bitcoin có mọi đặc điểm cơ bản của vàng (và tốt hơn) để trở thành tài sản có vai trò lưu trữ giá trị. Tuy nhiên, vàng vẫn ăn đứt bitcoin ở chỗ: vàng được dùng để sản xuất món trang sức đẹp và những bảng mạch điện tử.
Có lẽ, nếu bitcoin thay thế vàng trong vai trò là phương tiện lưu trữ giá trị, ta sẽ thấy các thiết bị điện tử rẻ hơn, hoặc mọi người đeo trang sức bằng vàng nhiều hơn trên đường phố. Chỉ thời gian mới có thể trả lời.
Vào thời điểm bài viết này, bitcoin có vốn hóa 447.5 tỷ USD, bằng 1/26 của vàng. Tuy nhiên, vốn hóa của BTC đã từng đạt gần bằng 1/8 của vàng vào đỉnh 69000 USD T11/2021.
Tuy rằng bitcoin chưa thay thế vàng, nhưng hầu hết các nhà đầu tư tham gia vào thị trường crypto đều có niềm tin rằng: bitcoin là vàng của Internet – vàng 4.0
Có những đồng Altcoin khác ra đời sau theo đuổi mục tiêu là phương tiện tích trữ giá trị giống bitcoin, nhưng chưa (và có lẽ sẽ không bao giờ) có đồng cryptocurrency nào có thể thay thế bitcoin trong vai trò đó.
Cryptocurrency với Vai trò là trung gian thanh toán – phương tiện trao đổi
Trong thời kì khởi nguồn của mình, vàng đã từng đóng vai trò như một phương tiện thanh toán trung gian. Nhưng ngày nay thì sao? Bạn có thể đi mua 1 bát phở, mua chai nước ở tiệm tạp hóa, hay mua dịch vụ bằng vàng chứ? Thật bất tiện.
Bitcoin cũng vậy. Trong thời kì khởi nguồn của mình, bitcoin cũng được sử dụng để thanh toán hàng hóa. Ngày 22 tháng 5 năm 2010, lần đầu tiên Bitcoin được sử dụng để mua 2 chiếc bánh pizza, với giá 10000 bitcoin, tương đương 25 đô la Mỹ tại thời điểm đó.
2010, 10000 BTC = 25 USD. 2022, 1 BTC = 25000 USD (rớt từ đỉnh là 69000 USD).
Một hành trình dài đã xảy ra với bitcoin và thị trường crypto. Tính tới 2022, cryptocurrency đã có 300 triệu người dùng toàn cầu, tương đương 3,9% dân số thế giới.
Chắc hẳn bạn đã từng sử dụng các dịch vụ trung gian thanh toán như PayPal, Alipay hay Payoneer rồi chứ?
Thế còn các app ví điện tử như MOMO, Zalopay thì sao?
Các app ngân hàng như VCB, TCB, MBB,…?
Khi sử dụng các ứng dụng/tổ chức trung gian thanh toán đó, chúng ta phải truy cập ứng dụng của họ để chuyển tiền.
Khi muốn chuyển bitcoin hay cryptocurrency, bạn cũng truy cập ứng dụng trên điện thoại (hoặc máy tính) để thực hiện chuyển cryptocurrency cho người khác.
Sự khác biệt ở đây giống như ví dụ tôi lấy ở phần đầu: Có một số người chấp nhận thanh toán bằng vỏ sò, có một số người chấp nhận thanh toán bằng sợi lông chim, số khác chỉ chấp nhận thanh toán bằng vàng.
Trong cuộc sống thường ngày, có người sử dụng thẻ Visa, có người sử dụng ví điện tử, hoặc bằng chuyển khoản, hoặc chỉ bằng tiền mặt, thậm chí sử dụng vàng để mua nhà.
Ở các quốc gia khác nhau, có nơi sử dụng USD, có nơi sử dụng VND, GBP, EUR, CNY, JPY, AUD, RUB,…
Sử dụng phương tiện trung gian thanh toán nào để mua bán hàng hóa là do sự chấp nhận giữa 2 bên với nhau.
Nhưng, để có thể là phương tiện trung gian thanh toán, một đồng cryptocurrency cần có nền tảng blockchain đáp ứng các giao dịch tức thời với độ trễ thấp, không chỉ cho 1 người mỗi giây mà phải cả hàng triệu giao dịch mỗi giây.
Bitcoin – blockchain già nua đời đầu không được thiết kế cho 300 triệu người dùng. Với số lượng người sử dụng tăng vọt, chi phí cho mỗi giao dịch bitcoin tăng từ chỉ chưa tới 1 cent (230 đồng) vào 2010, lên đến 1,5 USD (35.000 đồng) vào 2022.
Vào đợt up trend cryptocurrency (mùa coin), chi phí mỗi giao dịch BTC luôn luôn giao động quanh mức 20 USD (460.000 đồng), và đã có lúc lên tới 60 USD (1.4 triệu đồng)/giao dịch.
Không chỉ Ethereum, mà cả các nền tảng blockchain hợp đồng thông minh khác ra đời với công nghệ tối ưu hơn, chi phí giao dịch thấp hơn và tốc độ nhanh hơn. Nhà vua BTC nhường lại vai trò trung gian thanh toán cho các đồng Altcoin.
Ở phía bên phải là thống kê Transaction Per Seccond (TPS) – tốc độ xử lý Giao dịch mỗi giây của các blockchain và các mạng lưới thanh toán nổi tiếng.
Bitcoin chỉ có thể xử lý 7 giao dịch mỗi giây. Ethereum gấp 2 lần số đó. Nhưng vẫn chưa là gì so với phương tiện thanh toán toàn cầu VISA 24000 giao dịch/giây.
Các blockchain cạnh tranh nhau qua các tiêu chí ngon-bổ-rẻ
- Có thể mở rộng (TPS cao)
- Giao dịch nhanh (độ trễ thấp)
- Chi phí rẻ
Các blockchain ra đời sau càng ngày ngày có những bước tiến đáng kể về công nghệ. Avalanche (AVAX) có thể xử lý lên tới 4500 TPS với chi phí. Blockchain Solana (SOL) có thể xử lý lên tới 65000 TPS.
Ethereum, blockchain smart contract đầu tiên hiện chỉ xử lý được 20 TPS. Nhưng với cập nhật The Merge update lên Etherum 2.0, blockchain này dự kiến có thể xử lý lên tới trên 100.000 TPS.
Trong khuôn khổ của một quốc gia, pháp luật yêu cầu người dân chỉ sử dụng tiền tệ của chính quốc gia đó để giao dịch, mua bán hàng hóa.
Trong khuôn khổ Internet – bao la và phi tập trung, mỗi ứng dụng phi tập trung (Dapp) có 1 cryptocurrency riêng và các đồng token của ứng dụng đó được sử dụng làm phương tiện trao đổi và quản trị chung trong khuôn khổ ứng dụng.
Mỗi ứng dụng giống như 1 quốc gia, có nền kinh tế tiền tệ (tokenomics) và luật (smart contract) của riêng nó. Và cryptocurrency là tiền tệ.
Vậy, cryptocurrency có thể tiến tới vai trò là phương tiện trung gian thanh toán thay thế cho tiền tệ vật lý? Một lần nữa, tôi phải nhắc lại rằng, chúng ta vẫn đang ở trong những ngày đầu tiên của thị trường tiền số.
Tuy nhiên, ít nhất tới thời điểm này, chúng ta có thể chắc chắn rằng:
- Cryptocurrency mang đầy đủ các đặc tính để đáp ứng vai trò là trung gian thanh toán tiền tệ
- Cryptocurrency hiện đã và đang là phương tiện thanh toán cho các Dapp và giữa các Dapp.
Con đường tiền điện tử trở thành phương tiện trung gian thanh toán liệu đầy màu hồng hay vô vàn chông gai?
Việc cryptocurrency tiến tới trở thành vai trò trung gian thanh toán đe dọa tiền tệ của một quốc gia và sức mạnh của chính phủ.
Chắc chắn rằng, các quốc gia sẽ không đánh mất quyền kiểm soát tiền tệ của mình. Họ có thể có các động thái như cấm nó hoặc phát triển đồng tiền mã hóa riêng của quốc gia để cạnh tranh. Trung Quốc làm cả 2.
Năm 2017, Trung Quốc ban hành lệnh cấm bitcoin và giao dịch tiền số. Tháng 2/2022, quốc gia này chính thức ban hành đồng nhân dân tệ kĩ thuật số (e-CNY), ứng dụng công nghệ blockchain của riêng Trung Quốc, vốn đã được đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm từ 2015.
Đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương (chính phủ) phát hành được gọi là CBDC (viết tắt của Central Bank Digital Currency)
Tại sao các quốc gia phải phát triển đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình? Chắc hẳn tới đây bạn đọc đều sẽ hiểu rõ.
Phân biệt tiền điện tử, tiền số, tiền ảo, tiền mã hóa.
Nếu bạn đã từng chơi game, bạn đã quen thuộc với các đơn vị tiền tệ trong game rồi chứ? Tôi nói đến các game truyền thống như Liên minh Huyền thoại, Đột kích, PUBG, Clash of Clans,…
Các đơn vị tiền tệ trong ứng dụng hoặc game, do các nhà phát triển phát hành và nắm toàn quyền kiểm soát, được gọi là tiền ảo.
Các đơn vị tiền tệ trong ứng dụng hoặc game, sử dụng công nghệ blockchain để minh bạch giao dịch, tokenomics, và quyền biểu quyết cho người giữ tiền, được gọi là cryptocurrency – tiền mã hóa.
Tiền điện tử, tiền số, hay tiền kỹ thuật số mang nghĩa rộng hơn, ám chỉ tất cả các đơn vị tiền được lưu trữ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số.
Tiền điện tử/tiền số là thư mục cha. Trong tiền điện tử bao gồm:
- Tiền ảo
- Tiền mã hóa – cryptocurrency
- Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương – CBDC (Ví dụ đồng Nhân Dân Tệ điện tử e-CNY ở phần trên đã nêu)
Vì vậy, khi nói về bitcoin (BTC), Ether (ETH), BNB, USDT, XRP, DOGE, DAI,… ta có thể sử dụng thuật ngữ chính xác là thị trường tiền mã hóa, với nghĩa rộng là thị trường tiền điện tử, hoặc thị trường tiền số đều được. Nhưng không nên sử dụng thuật ngữ tiền ảo.
Tại Việt Nam, thuật ngữ tiền ảo, tiền điện tử, tiền số và tiền mã hóa thường xuyên bị nhầm lẫn.
Giao dịch cryptocurrency ở đâu?
Trước hết, nếu chưa có cryptocurrency thì bạn cần mua crypto bằng VND thông qua nền tảng Binance P2P.
Sau khi mua cryptocurrency như bitcoin, ETH, BNB, USDT,… bạn có thể bắt đầu giao dịch tại top các sàn giao dịch coin uy tín 2022.
Đừng quên tìm hiểu về ví điện tử và cách lưu trữ coin để đảm bảo an toàn cho tài sản của bạn nhé.
Chương III: Tổng kết
Nguyên tắc ghi nhớ khi tham gia thị trường cryptocurrency
Trên thực tế mọi khoản đầu tư đều có rủi ro. Nếu bạn dự định đầu tư vào tiền điện tử, hãy luôn ghi nhớ các nguyên tắc sau:
DYOR – Do your own research
Nguyên tắc số 1 khi tham gia vào thị trường này là #DYOR. Luôn có kẻ gian cố gắng lừa lấy coin của bạn.
Trước khi đầu tư, hãy tìm hiểu về chi tiết về cryptocurrency đó. Có hơn 20000 đồng cryptocurrency ngoài kia và hơn 500 sàn giao dịch tiền mã hóa. Thực hiện nghiên cứu, đọc các đánh giá và nói chuyện với các nhà đầu tư có kinh nghiệm trước khi tiếp tục.
Và luôn ghi nhớ update tin tức & tri thức cryptocurrency trên ecoinomic.io nhé
Biết cách lưu trữ cryptocurrency của bạn
Nếu bạn mua cryptocurrency, bạn cần phải biết cách lưu trữ nó. Nó có thể được lưu trữ trên các sàn giao dịch và ví crypto. Có nhiều loại ví khác nhau, mỗi loại có những ưu điểm, yêu cầu kỹ thuật và bảo mật riêng.
Giống như nghiên cứu chi tiết về 1 đồng cryptocurrency, bạn nên nghiên cứu các lựa chọn lưu trữ chính cryptocurrency đó trước khi đầu tư.
Đa dạng hóa khoản đầu tư cryptocurrency
Đa dạng hóa là chìa khóa cho bất kỳ chiến lược đầu tư tốt nào, đặc biệt là khi đầu từ vào tiền số. Đừng đặt tất cả tiền của bạn vào bất kì đồng coin nào chỉ vì người thân phím hàng hay các kèo đặt lệnh từ các group crypto. Với hàng nghìn lựa chọn, luôn luôn đa dạng hóa đầu tư cryptocurrency của mình.
Chuẩn bị cho những biến động của thị trường
Cryptocurrency biến động mạnh hơn bất cứ thị trường khác. Hãy chuẩn bị cho những thăng trầm.
Đặc biệt hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính nếu bạn là người mới.
Câu hỏi thường gặp về Cryptocurrency
Cryptocurrency có hợp pháp ở Việt Nam không?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, Bitcoin và các loại tiền điện tử chưa được công nhận là phương tiện thanh toán và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, việc sử dụng tiền điện tử làm phương tiện thanh toán không được pháp luật Việt Nam cho phép và bảo vệ.
Ngoài ra, theo Nghị định 88/2019 / NĐ-CP, các hoạt động liên quan đến cung cấp và sử dụng tiền điện tử gây tổn hại cho người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc đầu tư và giao dịch cryptocurrency hoàn toàn hợp pháp, không có vấn đề gì.
Có nên đầu tư vào bitcoin và Cryptocurrency không?
Bài viết này không phải là lời khuyên đầu tư, hãy cố gắng đưa ra nhận định của riêng mình. #DYOR!