Advertisement
Các công ty tiền mã hóa có phải chỉ đầu tư cho những thứ hào nhoáng hay NFT còn phục vụ mục đích quan trọng nào khác đằng sau sự tài trợ?
Cộng đồng tiền mã hóa luôn nhấn mạnh vào tính phi tập trung và toàn cầu hóa. Vì vậy, không bất ngờ gì khi nhiều công ty tiền mã hóa đang tài trợ cho các đội đua giải Công thức 1 (F1) trong một nỗ lực nhằm tiếp cận với khán giả trên toàn thế giới nhiều hơn.
Nghiên cứu bởi công ty phân tích toàn cầu Nielsen Sport nhận thấy rằng giải đua F1 có tiềm năng tiếp cận khoảng 1 tỷ người theo dõi trên toàn thế giới trong năm 2022, với phần lớn là nhóm tuổi 16-35. Sự hấp dẫn của F1 đang ngày càng tăng lên, và các công ty tiền mã hóa đang tham gia vào phong trào này để khẳng định thương hiệu của mình. Cụ thể là, có 10 đội thi F1 trong giải 2022 thì có 8 đội đang được các công ty tiền mã hóa tài trợ.
Tiền mã hóa và F1: Một sự kết hợp lý tưởng
Mark DiMassimo, nhà sáng lập và giám đốc sáng tạo tại DiGo – một công ty Marketing có trụ sở tại New York, nói rằng sự hứng thú của các công ty tiền mã hóa với F1 là hoàn toàn hợp lý từ góc độ marketing. “Bạn có thể cho rằng việc các công ty tiền mã hóa tài trợ cho F1 là điều tự nhiên bởi vì cả hai lĩnh vực này đều mang tính toàn cầu, hấp dẫn và thu hút nhiều tiền”, ông nói.
Để chứng minh cho quan điểm của DiMassimo, đội đua F1 Red Bull Racing gần đây đã hợp tác với nền tảng giao dịch tiền mã hóa có trụ sở tại Singapore, Bybit, trong sự tài trợ kéo dài 3 năm với mức giá 50 triệu đô mỗi năm. Trước đó, sàn giao dịch tiền mã hóa Crypto.com đã thông báo một khoản hợp tác trị giá 100 triệu đô với F1 cho giải “Sprint Series” năm 2021.
Igneus Terrenus, trưởng bộ phận truyền thông tại Bybit, nói rằng sàn giao dịch tiền mã hóa này coi việc tài trợ cho thể thao là mũi nhọn trong chiến lược marketing của họ để tăng độ nhận diện và yêu thích đối với thương hiệu trong các thị trường chính. “Chúng tôi cũng là nhà tài trợ cho nhiều đội thi e-sport hàng đầu trên thế giới, nhưng F1 vẫn là giải đua nổi tiếng nhất quốc tế”, Terrenus cho biết. Ông nói thêm rằng F1 có lượng người theo dõi lớn hơn và toàn cầu hơn so với hầu hết các môn thể thao khác: “Chặng đua GP Abu Dhabi 2021 đạt tới đỉnh điểm trong trận chung kết gay cấn mà Max Verstappen của đội Red Bull Racing đã áp đảo Lewis Hamilton của đội Mercedes – trận đua này đã thu hút 108 triệu khán giả. Trong khi Super Bowl 2022 giữa đội Rams và Bengals chỉ thu hút 101 triệu khán giả”.
Các công ty Blockchain cũng tham gia vào F1. Vào tháng 1/2022, Fantom Foundation, một nền tảng Blockchain layer 1, thông báo sự tài trợ của họ với đội đua F1 của Ý, Scuderia Alpha Tauri. Giám đốc Điều hành của Fantom, Michael Kong nói rằng sự hợp tác này rất quan trọng vì nhiều lý do, trong đó sự hiện diện của thương hiệu là quan trọng nhất. “Fantom thu hút được nhiều sự chú ý hơn bởi vì F1 có hàng triệu người xem trên toàn thế giới. Điều này đóng góp rất nhiều vào việc người dùng tăng lên trên mạng lưới của Fantom”, ông cho biết.
Sự tài trợ cho F1 mở rộng khi NFT ngày càng phổ biến
Trong khi các công ty tiền mã hóa ban đầu có thể tài trợ cho F1 từ góc độ marketing thì sự phát triển của NFT cũng mang lại nhiều cơ hội cho các tổ chức tham gia vào F1. Ví dụ, một nghiên cứu của Deloitte Global dự báo rằng chỉ trong năm 2022, NFT thể thao sẽ tạo ra hơn 2 tỷ đô giá trị giao dịch – gấp đôi năm 2021.
Thêm vào đó, nghiên cứu này dự báo rằng tới cuối năm 2022, gần 5 triệu người hâm mộ thể thao trên toàn cầu sẽ sở hữu đồ sưu tầm thể thao bằng NFT. Vì vậy, phần lớn các công ty tiền mã hóa và blockchain đang tài trợ cho các đội đua F1 cũng đã phát hành NFT trong đợt tài trợ của họ.
Vào hôm 22/3, Fantom thông báo tài trợ cho các tay lái F1 người Mỹ-Brazil Pietro và Enzo Fittipaldi. Theo như Kong, cặp tay lái này sẽ mang thương hiệu của Fantom trên bộ quần áo đua và mũ bảo hiểm của họ trong suốt mùa giải F1 2022. Bên cạnh hợp đồng tài trợ, anh em nhà Fittipaldi sẽ ra mắt chuỗi NFT đầu tiên của họ trên nền tảng Fantom. “Cả Pietro và Enzo đều thể hiện sự hứng thú mạnh mẽ với việc tích hợp công nghệ. Chuỗi NFT này sẽ mang lại sự kết nối chưa từng có với những người hâm mộ, cho phép họ tương tác với những tay đua nổi tiếng thông qua một phương tiện truyền thông mới”, Kong cho hay.
Bên cạnh sự phát hành NFT gần đây của Fantom, Terrenus nói rằng Bybit cũng sẽ là thị trường chính ra mắt NFT của đội thi F1 Oracle Red Bull Racing. Thị trường NFT của Bybit được ra mắt vào hồi tháng 1/2022, nhưng Terrenus tin rằng nó đã nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng.
Cộng đồng F1 hiểu hơn về Blockchain
Trong khi việc các công ty tài trợ cho các đội và tay đua F1 là đáng chú ý, nhiều người có thể thắc mắc đại chúng sẽ tiếp nhận những sự hợp tác này và NFT như thế nào. Điều này đặc biệt cần cân nhắc vì NFT vẫn còn là một khái niệm mới mẻ và không hẳn dễ hiểu đối với những người không sử dụng tiền mã hóa.
Nhưng Kong nói rằng Fantom đã có một sự hợp tác tích cực với Alpha Tauri. Công ty này đã có thể giải thích về NFT, lợi ích và cơ hội của chúng khi Fantom làm việc với tay đua F1 Pierre Gasly của Alpha Tauri trong đợt phát hành NFT của anh. “Hi vọng rằng chúng tôi có thể giới thiệu công nghệ Blockchain tới cộng đồng F1 nhiều hơn”, Kong nói.
Hơn nữa, đội trưởng các đội đua F1 có vẻ rất hưởng ứng sự tài trợ của tiền mã hóa. Điều này được thể hiện trong một bài báo được đăng trên motorsport.com. Trong đó, khi nhắc tới sự tài trợ của FTX với Mercedes, đội trưởng Toto Wolff của đội Mercedes nói rằng “thật thú vị khi tìm hiểu về các sàn giao dịch tiền điện tử”.