Advertisement
Thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền điện tử nói riêng được mô tả theo một trong hai cách: thị trường bò (bull market) hoặc thị trường gấu (bear market). Vậy thị trường bò và gấu là gì? Trong bài viết dưới đây, Ecoinomic.io sẽ chia sẻ với các bạn khái niệm về hai giai đoạn thị trường chính, cách xác định và chiến thuật trong từng giai đoạn.
Tìm hiểu về “Bull market” và “Bear Market”
Bear market (thị trường gấu) là gì?
Thị trường gấu hay còn được gọi là thị trường giảm giá (bearish). Thị trường này được định nghĩa là khoảng thời gian mà cung lớn hơn cầu, niềm tin của nhà đầu tư thấp, giá giảm. Do đó, các nhà đầu tư tin rằng giá còn xuống thấp hơn nữa. Đây là thị trường khó giao dịch, đặc biệt là với các nhà giao dịch mới và thiếu kinh nghiệm.
Việc dự đoán khi nào thị trường gấu kết thúc và đạt mức đáy là một điều rất khó khăn. Lý do được đưa ra là vì sự phục hồi chậm và khó đoán của thị trường. Bên cạnh đó, việc phục hồi còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài như sự tăng trường kinh tế, tâm lý nhà đầu tư, tin tức và các sự kiện.
Tuy nhiên, thị trường gấu cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn. Việc mua tài sản trong thị trường giá xuống có thể mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư khi chu kỳ thị trường đảo ngược.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngắn hạn cần đề phòng các đợt điều chỉnh hoặc tăng giá tạm thời. Đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn, vẫn có chiến lược giao dịch để thu lợi nhuận trong thị trường gấu, đó là bán khống – tin tưởng rằng tài sản sẽ giảm giá.
Một chiến lược khác cũng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đó là sử dụng phương pháp trung bình giá tiền điện tử (DCA). Thực chất phương pháp này là việc nhà đầu tư sẽ đầu tư một khoản nhất định đều đặn hàng tuần hoặc hàng tháng. Điều này hỗ trợ phân tán rủi ro và cho phép nhà đầu tư hoạt động bất chấp thị trường tăng hay giảm.
Bull market (thị trường bò) là gì?
Thị trường bò còn được gọi là thị trường tăng giá (bullish), hay chu kỳ tăng giá. Đây được định nghĩa là khoảng thời gian mà phần lớn các nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua, cầu lớn hơn cung, niềm tin của nhà đầu tư ở mức cao và giá tăng.
Nếu giá trong thị trường nhất định có xu hướng tăng lên, thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang trở nên lạc quan về việc giá sẽ tăng hơn nữa. Và đây là dấu hiệu mở đầu của thị trường bò.
Các nhà đầu tư tin rằng giá tài sản sẽ tăng theo thời gian được gọi là phe bò. Niềm tin của nhà đầu tư tăng lên sẽ tạo ra những phản hồi tích cực và thu hút thêm các nhà đầu tư khác khiến giá tiếp tục tăng.
Niềm tin của các nhà đầu tư ảnh hưởng đáng kể đến giá của tài sản tiền điện tử. Vì lý do này, nhiều người xác định chiến lược cho mình bằng cách đo lường mức độ lạc quan của các nhà đầu tư trong một thị trường nhất định. Thước đo này được gọi là “tâm lý thị trường“.
Nguồn gốc của “Bear market” và “Bull market”
Tương tự như nhiều thuật ngữ tài chính khác, nguồn gốc của thuật ngữ “bear market” và “bull market” cũng không rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chúng bắt nguồn từ cách tấn công của hai con vật này. Bò tấn công bằng cách hất sừng lên trên, trong khi gấu vuốt con mồi xuống bằng móng vuốt của chúng.
Tuy nhiên, có một câu chuyện dài đằng sau hai thuật ngữ này. Chúng bắt đầu từ thị trường chứng khoán và hai con vật này được mô tả gắn liền với những người môi giới chứng khoán.
- Từ “bull” ban đầu có nghĩa là mua đầu cơ với kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng. Sau này, thuật ngữ này được dùng để chỉ những người thực hiện các giao dịch với mục đích như vậy.
- Vào thế kỷ XVII, từ “bearskin” bắt đầu được sử dụng trong cụm từ “to sell (or buy) the bearskin” và trong tên “”bearskin jobber” (chỉ một người bán da gấu). Từ “bearskin” sau đó được rút ngắn lại thành “bear” và được áp dụng để chỉ việc cổ phiếu đang được bán bới các nhà đầu cơ.
Xem thêm: Market Capitalization Là Gì? Ý Nghĩa Của Giá Trị Vốn Hóa Thị Trường.
Xác định xu hướng “thị trường con bò” và “thị trường con gấu”
Thông tin là yếu tố đầu tiên mà nhà đầu tư cần lưu ý. Lý do là vị thị trường tiền điện tử rất nhạy cảm với các thông tin khách quan, ví dụ khi vị tỉ phú Elon Musk chấp nhận thanh toán bằng DOGE, giá của đồng coin này lập tức tăng mạnh.
Thứ hai, nhà đầu tư cần vận dụng các dữ liệu on-chain, phân tích kỹ thuật và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để có thể đưa ra nhận định cho riêng mình. Tuy nhiên, một điều mà bất cứ ai tham gia thị trường tiền điện tử đều phải hiểu rõ, đó là mọi thông tin hay phân tích chỉ là dự đoán và nó không chính xác 100%.
Thực tế thì không có công thức chính xác nào, Bull Market và Bear market được đặc trưng bới các yếu tố kinh tế vĩ mô, mà mỗi giai đoạn có các đặc điểm khác nhau. Bảng dưới đây so sánh các đặc điểm của thị trường bò và thị trường gấu trong không gian tiền điện tử.
Yếu tố/khía cạnh | Thị trường bò (bull market) | Thị trường gấu (bear market) |
Cung và cầu | Trong thị trường bò, nhu cầu về tiền điện tử tăng lên rất cao do nguồn cung suy yếu. Rất nhiều nhà đầu tư muốn mua tài sản tiền điện tử nhưng rất ít người sẵn sàng bán. Việc các nhà đầu tư cạnh tranh nhau để mua các đồng tiền điện tử sẵn có khiến giá của loại tài sản này tăng cao hơn nữa. | Tuy nhiên, trong thị trường gấu, số người bán nhiều hơn người mua. Cung lớn hơn cầu khiến giá tiếp tục giảm. |
Tác động đến nền kinh tế | Thị trường tăng giá gắn liền với một nền kinh tế phát triển mạnh, thời điểm mà chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn và lợi nhuận mang lại nhiều hơn. Giao dịch cổ phiếu và tiền điện tử cũng diễn ra sôi nổi hơn. | Thị trường gấu gắn liền với một nền kinh tế yếu kém. Khi doanh nghiệp không đạt được mục tiêu doanh thu, người tiêu dùng không đảm bảo chi tiêu, lợi nhuận giảm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Khi đó, các nhà đầu tư ngại giao dịch. |
Kỳ vọng của các nhà đầu tư | Tâm lý nhà đầu tư và hiệu suất thị trường tiền điện tử có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi ở trong một thị trường tăng giá, việc tăng giá tiền điện tử càng làm tăng thêm niềm tin cho các nhà đầu tư. Do đó, nhiều nhà đầu tư được khuyến khích đầu tư vào thị trường với hy vọng thu được lợi nhuận cao. | Trong thị trường gấu, tâm lý của nhà đầu tư đối với tiền điện tử nói chung là tiêu cực. Do đó, một số người bán ra do hoảng sợ, khiến giá tài tiếp tục giảm. |
Giá tài sản | Nhìn vào giá tiền điện tử hiện tại là một trong những cách nhanh nhất để xác định xem một đồng đang ở trong thị trường tăng hay giảm. Hơn nữa, giá tài sản tăng cho thấy niềm tin của thị trường và một đợt tăng giá sắp tới. | Ngược lại, giá tài sản giảm cho thấy độ tin cậy thấp và thị trường giá xuống sắp xuất hiện. |
Tính thanh khoản | Thị trường tăng giá có tính thanh khoản cao hơn, trong đó tài sản có thể giao dịch với chi phí giao dịch thấp hơn do nhà đầu tư tin tưởng cao vào lợi nhuận nhanh chóng và ổn định. | Mặt khác, thị trường giảm giá có tính thanh khoản thấp hơn do nhà đầu tư thiếu niềm tin vào các điều kiện thị trường chung. |
Kết luận
Thị trường tiền điện tử có ít người tham gia hơn và dễ biến động hơn thị trường chứng khoán. Việc xác định thị trường là bull market hay bear market còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các nhà đầu tư tiền điện tử thường mua các đồng coin khi giá thấp và giữ chúng đến khi giá tăng cao thì bán ra thu lợi nhuận. Tuy nhiên, có nhiều chiến lược đầu tư giúp người tham gia kiếm được lợi nhuận kể cả trong thị trường gấu. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải có kiến thức, khả năng quan sát và phán đoán xu hướng thị trường để lựa chọn chiến lược phù hợp.
Để làm được điều này, những người tham gia thị trường tiền điện tử cũng cần tạo thói quen cập nhật tin tức thị trường, học hỏi kinh nghiệm đầu tư từ các chuyên gia…Suy cho cùng, mỗi chiến lược đầu tư đều có rủi ro nhất định, và thiệt hại chúng mang lại không hề nhỏ. Bởi vậy, dù đầu tư trong thị trường nào, dưới hình thức nào thì tự nghiên cứu vẫn là giải pháp tối ưu để nhà đầu tư chủ động kiểm soát rủi ro và có quyết định đầu đúng đắn.
Bài viết trên đây Ecoinomic.io đã đưa ra những kiến thức cơ bản về bull market và bear market. Chúc bạn có quyết định đầu tư đúng đắn và thu về lợi nhuận cao.
Xem thêm: Lãi Kép Là Gì? Cách Tính Lãi Kép Đơn Giản Cho Người Mới