Advertisement
Cùng với sự mở rộng của blockchain, các nền tảng lending – borrowing được coi như những ngân hàng phi tập trung trong hệ sinh thái DeFi thúc đẩy sự luân chuyển của dòng tiền và tạo động lực phát triển cho toàn bộ thị trường.
Hãy cùng Ecoinomic tìm hiểu về cơ chế hoạt động của lending và borrowing trong DeFi qua bài viết dưới đây nhé!
Lending là gì?
Lending là một hình thức cho vay tiền điện tử để nhận được lợi tức hàng năm (APY).
Khác với hình thức cho vay truyền thống, lending không chịu sự quản lý của bất kỳ trung gian hay cơ quan chính phủ nào. Thay vào đó, hợp đồng thông minh sẽ tự động hóa toàn bộ quy trình, cho phép người dùng cho vay bất kỳ tài sản tiền điện tử nào bằng cách gửi ký quỹ tài sản vào hợp đồng thông minh thông qua giao thức DeFi và thu được lợi nhuận thụ động.
Borrowing là gì?
Borrowing là hình thức đi vay tiền điện tử trong một khoảng thời gian nhất định.
Để đáp ứng điều kiện vay, thông thường người dùng phải gửi token vào giao thức làm tài sản thế chấp để cung cấp thanh khoản. Sau khi hết kỳ hạn, người dùng sẽ phải thanh toán tài sản gốc và lãi suất như đã cam kết ban đầu.
Các hình thức cho vay
Vay thế chấp
Thông thường, người dùng sẽ phải cung cấp token trong giao thức làm tài sản thế chấp để đảm bảo khả năng trả nợ.
Nếu có sự thay đổi về giá, người dùng phải bổ sung tài sản thế chấp để đảm bảo tài sản không bị thanh lý.
Flash loan
Flash loan là hình thức vay không yêu cầu tài sản thế chấp nhưng khoản vay phải được hoàn trả trong cùng một giao dịch. Giao dịch sẽ bị hủy trước khi được xác thực trong một khối nếu số tiền vay và lãi suất không được hoàn trả đúng hạn.
Flash loan thường được sử dụng để swap tài sản thế chấp và kinh doanh chênh lệch giá.
>>> Xem thêm: Flash loan là gì?
Cơ chế hoạt động của lending – borrowing
Có 3 thực thể tham gia trong hệ sinh thái DeFi lending – borrowing:
- DeFi Lending Protocol (Giao thức cho vay phi tập trung)
- Borrower (Bên đi vay)
- Lender (Bên cho vay)
Các giao thức cho vay tiền điện tử phi tập trung hoạt động như trung gian kết nối người cho vay và người đi vay thông qua hợp đồng thông minh để tự động hóa việc thanh toán và lợi tức khoản vay.
Người đi vay sẽ sử dụng tài sản tiền điện tử làm tài sản thế chấp để nhận khoản vay và hoàn trả khoản vay trong một thời gian nhất định. Mặc dù người đi vay vẫn có quyền sở hữu nhưng không thể thực hiện các giao dịch đối với tài sản thế chấp.
Người đi vay sẽ nhận được một khoản vay ngay lập tức, trong khi đó, người cho vay sẽ thu được lợi nhuận thụ động từ lãi của khoản vay. Nếu người vay không trả được nợ, tài sản thế chấp sẽ bị thanh lý để thanh toán khoản vay.
Các chỉ số cần chú ý khi tham gia lending – borrowing
- APY: Tỷ suất lợi nhuận hàng năm bao gồm lãi kép. Mức lãi suất cho vay của các đồng coin ổn định như ETH, BTC thường thấp hơn các đồng coin mới.
- APR: Tỷ suất lợi nhuận hàng năm không bao gồm lãi kép.
- Thời gian cho vay: Kỳ hạn cho vay khác nhau tùy thuộc vào từng nền tảng như 7 ngày, 14 ngày hoặc 90 ngày.
- Total value locked (TVL – Tổng giá trị bị khóa): Tổng giá trị tài sản được gửi đến giao thức.
- Loan to value (LTV – Khoản vay theo giá trị): Tỷ lệ của khoản vay so với giá trị của một tài sản được mua. Rủi ro được đánh giá dựa trên khả năng thanh khoản trả nợ nên LTV càng cao, rủi ro của người cho vay càng lớn.
- Minimum collateralization ratio: Tỷ lệ thế chấp tối thiểu để vay các tài sản trong giao thức. MakerDAO có tỷ lệ thế chấp tối thiểu là 150%, khi người dùng thế chấp tài sản có giá trị 150$ thì sẽ được vay 100$. Trong khi đó, tỷ lệ thế chấp tối thiểu của Compound là 133%.
- Liquidation point: Điểm thanh lý, khi tỷ lệ thế chấp quá thấp và chạm mốc thanh lý, các giao thức sẽ kích hoạt cơ chế thanh lý tài sản để đảm bảo an toàn cho giao thức.
- Liquidation bonus: Khoản thưởng các giao thức dành cho liquidator để khuyến khích tham gia khi tài sản bị thanh lý do người đi vay không có khả năng trả nợ.
- Liquidation penalty: Khoản tiền phạt người đi vay khi tài sản bị thanh lý.
- Capital utilization: Hiệu suất tối ưu nguồn vốn cho biết giao thức nào có thể cho vay nhiều hơn dựa trên cùng một số vốn nhất định.
Cơ hội và rủi ro của mô hình lending – borrowing
Cơ hội
- Lãi suất thấp: Các khoản vay tiền điện tử có lãi suất thấp hơn vay ngân hàng.
- Không kiểm tra tín dụng: Các nền tảng cho vay tiền điện tử thường không yêu cầu kiểm tra tín dụng, những người có lịch sử tín dụng xấu hoặc không đủ điều kiện vay ngân hàng vẫn có thể đảm bảo khoản vay.
- Tốc độ xử lý nhanh: Hợp đồng thông minh sẽ tự động hóa và quản lý các khoản vay, giúp đẩy nhanh quy trình cho vay và đi vay. Sau khi được chấp thuận, bạn có thể nhận được khoản tiền cho vay của mình chỉ sau vài giờ.
- Thu nhập thụ động: Người dùng sẽ tạo ra thu nhập thụ động từ khoản cho vay với tỷ lệ lãi suất thường cao hơn nhiều so với hình thức tiết kiệm truyền thống.
- Tối ưu hiệu quả sử dụng vốn: Người dùng có thể thế chấp những tài sản có mục đích nắm giữ lâu dài để vay những token khác với mục đích sử dụng riêng.
Rủi ro
- Rủi ro giảm giá: Giá của đồng coin bị giảm trong quá trình cho vay khiến phần lãi suất mà người cho vay nhận được không bù lại được khoản thâm hụt. Bên cạnh đó, người đi vay sẽ đối mặt với nguy cơ thanh lý tài sản khi giá coin/token thế chấp giảm đột ngột.
- Tấn công flash loan: Hacker lợi dụng lỗ hổng giao thức, vay khoản tiền khổng lồ nhằm mục đích thao túng thị trường hoặc trục lợi cá nhân. Ví dụ điển hình là cuộc tấn công trên giao thức PancakeBunny, hacker đã vay một lượng lớn BNB để thao túng giá BUNNY sau đó bán phá giá khiến token này giảm 96%.
- Rug pull: Là việc các nhà phát triển rút toàn bộ thanh khoản trong liquidity pool hoặc xả toàn bộ token và từ bỏ dự án sau khi huy động vốn từ nhà đầu tư. Ví dụ: Năm 2021, DeFi Compounder Finance đã xảy ra vụ rug pull trị giá hơn 10,8 triệu đô, trong đó, 4,8 triệu đô bằng Ether, 5 triệu đô bằng Dai và 750.000 đô bằng Wrapped Bitcoin (WBTC) đã được rút ra khỏi nền tảng.
Các giao thức lending – borrowing nổi bật
Aave
Aave là một giao thức DeFi dựa trên Ethereum cho phép người dùng vay tối đa 67% giá trị tài sản thế chấp với hơn 15 loại tiền điện tử. Người dùng sẽ gửi tiền điện tử vào nền tảng thông qua ví Web3 sau đó sẽ nhận được một số aToken tương đương.
Các aToken có thể lưu trữ, chuyển đổi và giao dịch tự do, cho phép người dùng tiếp cận với nhiều loại tiền điện tử. Aave cung cấp cả lãi suất ổn định và thay đổi với dịch vụ chuyển đổi tỷ giá.
Cơ chế đặc biệt của Aave là các khoản vay flash loan cho phép người dùng vay tiền ngay lập tức mà không cần bất kỳ tài sản thế chấp nào. Flash loans yêu cầu phí 0,09%, thời gian hoàn thành giao dịch chỉ trong vòng 13 giây và khoản vay gốc phải được hoàn trả chỉ trong một giao dịch Ethereum.
MakerDAO
MakerDAO hoạt động giống như một cơ sở tín dụng cho vay với lãi suất được xác định trước. MarketDAO sử dụng stablecoin DAI để xác định lãi suất cho vay, số tiền hoàn trả và token MKR để kiểm soát hệ sinh thái MakerDAO
DAI được tạo ra bất cứ khi nào ai đó gửi tiền điện tử vào Maker Vault. Người dùng cũng có thể tích lũy lãi suất bằng cách khóa DAI đã vay vào nền tảng. Tài sản thế chấp tiền điện tử càng được thiết lập tốt, số lượng Dai có thể vay càng nhiều với khoản thanh toán lãi suất thấp hơn.
Bên cạnh đó, người dùng có thể sử dụng DAI để mua thêm tài sản thế chấp và tăng vị thế lên đến 100%.
Xem thêm: Việc sử dụng và lạm dụng tiền điện tử: Cuộc tranh cãi giữa Binance và Reuters
Compound
Compound là một giao thức DeFi cho phép người dùng vay tối đa 75% tài sản thế chấp với nhiều loại tiền điện tử và stablecoin, bao gồm ETH, DAI, USDC, USDT và BAT. Các khoản tiền gửi trong giao thức sẽ được chuyển đến liquidity pool, qua đó người dùng có thể thực hiện ký quỹ bằng tài sản thế chấp để vay token.
Người cho vay sẽ nhận được CTokens đại diện cho khoản tiền gửi hoặc giá trị tài sản cơ sở. Lãi suất sẽ thay đổi tùy theo loại tiền điện tử, tính ổn định của tài sản thế chấp và bất kỳ biến động nào trên thị trường tiền điện tử toàn cầu.
Tổng kết
Hy vọng thông qua bài viết trên, Ecoinomic đã giúp bạn hiểu về cơ chế hoạt động và các giao thức lending – borrowing nổi bật trong hệ sinh thái DeFi.
Lending – Borrowing đem đến cơ hội tiềm năng giúp tận dụng sự luân chuyển của dòng tiền và tạo ra thu nhập thụ động hoặc kinh doanh chênh lệch giá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro tiềm ẩn để thực hiện chiến lược đầu tư phù hợp và tối đa hóa danh mục đầu tư của mình.