Advertisement
Trong khi tầng lớp những người mới giàu sẵn sàng đầu tư vào tiền mã hóa thì những người giàu lâu đời còn ngần ngại.
Theo công ty tư vấn Wealth-X, vào năm 2020, số lượng người có giá trị tài sản ròng khoảng 5 triệu đô tới 30 triệu đô trên thế giới đã tăng 1,7% tới 295.450 người. Giá trị tài sản gộp của cả nhóm này đã tăng 2% tới 35,5 nghìn tỷ đô.
Việc quan sát các khoản đầu tư của những cá nhân và tổ chức giàu có sẽ vô cùng hữu ích. Họ có thể tiếp cận với những thông tin và phân tích độc quyền để quyết định khoản đầu tư của họ. Đồng thời, đằng sau mỗi khoản đầu tư thường là một đội ngũ các chuyên gia, nhân viên của các công ty gia đình và các nhà quản lý tài sản để tư vấn cho họ.
Vì sự bất ổn chính trị thế giới và Lạm Phát tăng cao tại nhiều nơi, năm 2021 là năm chuyển biến của những người giàu có: họ tìm kiếm những điểm tăng trưởng đầu tư mới. Những tài sản truyền thống mà thường quyết định giá trị của một dòng họ hay một tổ chức – như bất động sản, chứng khoán, tiền ký quỹ – đang phải chịu áp lực lớn. Theo nhà kinh tế học Ziad Abdelnour, 70% các gia đình giàu có tại Mỹ thường bị mất giá trị tài sản vào thế hệ thứ hai, và 90% mất tài sản vào thế hệ thứ ba.
Vào năm 2022, thế giới đã đối mặt với một vấn đề lớn liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine và sự căng thẳng tại Trung Đông. Lạm phát, giá vàng, lúa mì, dầu, palladium và các mặt hàng khác tăng cao, cùng sự bất ổn kinh tế nói chung tại nhiều quốc gia đang khiến những người giàu cần nhắc đầu tư vào tiền mã hóa.
Những quan điểm đối lập
Các đại diện cho những người giàu lâu đời và những người mới giàu thường có quan điểm khác nhau về tiền mã hóa. Ví dụ, Elon Musk nói rằng ngoài cổ phiếu của công ty ông, Tesla và SpaceX, tiền mã hóa là nguồn đầu chủ yếu.
Tuy nhiên, hầu hết các triệu phú của thế hệ trước vẫn tiếp tục có cái nhìn cẩn trọng và thậm chí là thể hiện quan điểm tiêu cực công khai đối với tiền mã hóa. Charlie Munger, nhà đầu tư tỷ phú người Mỹ và Phó Giám đốc của Berkshire Hathaway, nói rằng Bitcoin thật “kinh tởm và đối lập với những mối quan tâm của nền văn minh”. Lloyd Blankfein, nguyên Chủ tịch Cấp cao tại Goldman Sachs, nói rằng Bitcoin không phải là một phương tiện hữu ích để bảo toàn vốn vì sự biến động của nó.
Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý tài sản Mỹ đã tham gia vào sức nóng của nền công nghiệp tiền mã hóa. JPMorgan, Goldman Sachs và các công ty đầu tư lớn khác cũng đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng về tiền mã hóa – chủ yếu là Bitcoin (BTC) và Ether (ETH) – và thậm chí còn dự đoán những thay đổi trong giá trị của tiền mã hóa.
Những người ủng hộ tiền mã hóa
Triết lý cốt lõi của phong trào tiền mã hóa là sự phi tập trung, điều này đồng nhất với quan điểm của các doanh nhân thế hệ Millennial. Theo Wealth-X, đối lập với những khái niệm thông thường về sự giàu có, hầu hết các cá nhân siêu giàu trên khắp thế giới (84%) đều tự lực, nghĩa là họ đạt được thành công thông qua giáo dục và sự chăm chỉ. Phần lớn 90% những người giàu có hứng thú với tiền mã hóa đều tự tạo ra của cải cho mình, với chỉ 0,5% phụ thuộc hoàn toàn vào tài sản thừa kế.
Những cá nhân giàu do tự lực đã quen thuộc với việc chấp nhận rủi ro và cởi mở hơn với bản chất dễ biến động của tiền mã hóa so với những thành viên của các gia tộc đã giàu hai, ba thế hệ. Độ tuổi trung bình của những người giàu trên thế giới chỉ hơn 60, và độ tuổi trung bình của những người giàu có quan tâm tới tiền mã hóa là 53,7.
Tim Frost, người sáng lập và Giám đốc Điều hành của nền tảng tài sản số Yield App, cho biết rằng, theo khảo sát khách hàng thường xuyên của công ty này, “Phần lớn người dùng ở độ tuổi 25-45, nhưng Yield App có hàng nghìn người dùng độ tuổi từ 50 trở lên trên khắp thế giới”.
Theo Wealth-X, đặc điểm chung của những triệu phú đầu tư vào tiền mã hóa là mối quan tâm của họ đối với công nghệ và các hoạt động thiện nguyện.
Xem thêm: Việc Sử Dụng Và Lạm Dụng Tiền Điện Tử: Cuộc Tranh Cãi Giữa Binance Và Reuters
Sự phủ nhận vô ích
Sự chống cự của những người giàu lâu đời và những phương thức quản lý tiền truyền thống đối với tiền mã hóa đang suy yếu dần. Nền công nghiệp tiền mã hóa đang gây ra tác động bất lợi cho những công cụ đã từng được coi là cỗ máy tài chính như cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản. Ngày nay, việc phớt lờ tiền mã hóa ngày càng trở nên vô ích hơn. Những tuyên bố của Munger và Blankfein, thậm chí là những người có chung tư tưởng, được coi là những lời cằn nhằn vô nghĩa.
Các ngân hàng tại Thụy Sĩ có danh tiếng tuyệt vời về sự an toàn và ẩn danh. Trong nhiều thế kỷ, những người trong giới siêu giàu đã lựa chọn hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ là nơi để lưu trữ và quản lý tài sản. Sự tin cậy đối với các ngân hàng tại Thụy Sĩ có thể so sánh với sự tin cậy đối với đồng hồ Thụy Sĩ.
Carole Morgenthaler, đại diện của ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Lombard Odier, bình luận rằng niềm tin đầu tư của ngân hàng này dựa trên sự phát triển và ổn định dài hạn để đảm bảo rằng tài sản của khách hàng có thể lớn dần và truyền lại cho thế hệ tương lai. Bà nói thêm rằng, “Đầu tư vào tiền mã hóa hiện nay không có những tính chất và sự đảm bảo như vậy”.
Mặc cho những quan điểm cẩn trọng đối với tiền mã hóa, ngân hàng này hiện đang hợp tác với các công ty công nghệ trong lĩnh vực Blockchain, cụ thể là Taurus và Wecan Comply, họ đang “nghiên cứu công nghệ này”.
Có thể hệ thống ngân hàng bảo thủ tại Thụy Sĩ không vội vã trong việc chấp nhận tiền mã hóa, nhưng họ chắc chắn đang theo dõi và quan sát để hiểu được ngành công nghiệp này.
Tiền mã hóa không phải một khoản mục đầu tư phù hợp với tất cả mọi người. Có lẽ sẽ mất một khoảng thời gian nữa cho tới khi thị trường tiền mã hóa đủ “có tính tổ chức” để những nhà đầu tư bảo thủ nhất, những người ưa thích vàng và bất động sản truyền thống, thực sự chú ý tới nó. Thị trường này sẽ phải trở nên dễ đoán và ổn định hơn, loại bỏ được những nhược điểm mà những nhà đầu tư siêu bảo thủ đang sử dụng để chống lại nó.