Advertisement
Những tín hiệu không rõ ràng của Trung Quốc về nền công nghiệp NFT khiến các nhà đầu tư bối rối về tương lai của thị trường.
Có thể nhận thấy rằng Trung Quốc bày tỏ sự không ưa thích đối với tiền mã hóa. Điều này được nhấn mạnh khi quốc gia này quyết định cấm nền công nghiệp tài sản số vào năm 2021. Tuy nhiên, một thị trường ngách thuộc ngành công nghiệp tiền mã hóa vẫn tiếp tục phát triển tại Trung Quốc mặc cho lệnh cấm, đó là thị trường NFT. Vậy nhưng, với những diễn biến tiêu cực diễn ra gần đây, thị trường này có thể sẽ không tồn tại được lâu.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều nền tảng mạng xã hội và công ty Internet tại Trung Quốc đã liên tục cập nhật chính sách của họ để hạn chế và trong nhiều trường hợp, loại bỏ các nền tảng NFT khỏi mạng lưới của họ. Mặc dù những quy định của họ có thể thiếu tính minh bạch nhưng họ đều lo sợ chính phủ có thể đóng cửa hoạt động của họ.
Ví dụ, gần đây, WeChat, một nền tảng nhắn tin và mạng xã hội có hơn 1 tỷ người dùng, đã gỡ bỏ Xihu No.1, một trong những hệ sinh thái NFT nổi bật nhất Trung Quốc, khỏi nền tảng của họ, cho rằng nó đã vi phạm quy tắc hoạt động của nền tảng này. Những hành động tương tự cũng đã được triển khai với các dự án khác, bao gồm Dongyiyuandian.
Tương tự, Whale Talk của Ant Group, một nền tảng đồ sưu tầm kỹ thuật số, đã cập nhật chính sách của họ gần đây, gia tăng hình phạt đối với những cá nhân sử dụng thị trường phi tập trung của họ cho mục đích trao đổi NFT.
Sự mơ hồ trong việc kiểm soát NFT tại Trung Quốc
Mặc dù việc sử dụng tiền mã hóa đã bị cấm trên khắp Trung Quốc, cho tới hiện tại, quốc gia này vẫn không cho thấy ý định sẽ cấm NFT. Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc các công ty khổng lồ của Trung Quốc, như Tencent và Alibaba, đã nộp nhiều đơn đăng ký bằng sáng chế NFT trong những năm qua.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ thị trường đang phát triển nào, sự phổ biến ngày càng tăng của các đồ sưu tầm kỹ thuật số tại Trung Quốc đã dẫn tới việc đầu cơ giá mạnh mẽ và nhiều trường hợp lừa đảo đối với người sử dụng. Tới thời điểm này, việc các giao dịch trái phép và mua bán tự động trên các nền tảng NFT ngày càng tăng. Điều này khiến nhiều công ty công nghệ lớn tiến hành các biện pháp phòng ngừa vì lợi ích của họ.
Trên thực tế, sau thông báo lệnh cấm tiền mã hóa hàng loạt của Trung Quốc vào tháng 9/2021, đất nước này vẫn phát hiện và bắt được nhiều công ty hỗ trợ giao dịch bằng tiền mã hóa. Vì vậy, hành động của WeChat và WhaleTalk có vẻ khá hợp lý, đặc biệt là khi họ muốn tránh né bất kỳ sự giám sát quy định nào từ chính phủ Trung Quốc.
Cuối cùng, cần phải chỉ ra rằng mặc dù NFT không nhất thiết bị cấm tại quốc gia này, nhưng Trung Quốc đã cấm người dân của họ tham gia vào bất kỳ hình thức giao dịch đầu cơ nào liên quan đến sưu tầm token số. Việc này đặt những người phát hành và sở hữu NFT vào tình huống khó khăn.
Ý kiến của các chuyên gia
Philip Gunwhy, đối tác và nhà chiến lược thương hiệu cho nền tảng NFT nổi tiếng Blockasset.co, cho biết rằng sự thay đổi chính sách của Tencent và Ant Group trong cách người dùng tương tác với NFT không phải là điều bất ngờ. Để có được lợi thế cạnh tranh trong sự hạn chế của khung luật pháp hiện nay của Trung Quốc thì các công ty công nghệ lớn phải tái định vị nền tảng của họ.
Ông nói thêm rằng: “Chính phủ chưa cấm hoàn toàn việc giao dịch NFT, họ vẫn đang soạn thảo các quy tắc. Ngay cả khi chính quyền Trung Quốc cấm NFT, những người sáng tạo và đầu tư vẫn sẽ có lợi thế vì phải mất một thập kỷ thì chính phủ mới có thể loại bỏ việc đào Bitcoin và giao dịch tiền mã hóa. Lĩnh vực NFT sẽ tiếp tục phát triển, các đơn xin cấp bằng sáng chế của những công ty Internet lớn tại Trung Quốc cần phải được xem xét một cách nghiêm túc”.
Gunwhy bổ sung thêm, sự thật rằng chính phủ vẫn chưa cấm NFT mặc cho sự phổ biến của chúng hiện nay cho thấy rằng họ sẽ tiếp cận với lĩnh vực này khác với tiền mã hóa. “Trong bất kỳ trường hợp nào, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ theo dõi chặt chẽ sự phát triển của NFT”, ông cho biết.
Haris Sevinc, trưởng bộ phận công nghệ của The Unfettered – một trò chơi Blockchain sử dụng NFT và các ứng dụng xung quanh metaverse – tin rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc không ủng hộ tiền mã hóa, sự cuồng nhiệt của đất nước này đối với công nghệ Blockchain sẽ cho phép các nhà đầu tư tiếp tục khai thác sức mạnh của những công nghệ mà không phụ thuộc hoàn toàn vào crypto – như NFT.
Ông tin rằng việc các công ty Internet lớn thay đổi chính sách của họ chủ yếu là nhằm mục đích tránh né các quy tắc bởi vì nếu họ thách thức với chính phủ thì họ sẽ phải chịu phạt hoặc bị cấm.
Sevinc nói thêm rằng: “Bởi vì hệ sinh thái NFT vẫn còn đang trong thời kỳ phát triển, hầu hết các nhà lập pháp mới chỉ làm quen với khái niệm này và họ đang đánh giá tiềm năng của nó. Nếu chính quyền triển khai những quy định tích cực đối với lĩnh vực NFT, những công ty công nghệ khổng lồ (Tencent và Alibaba) sẽ là những người tiên phong trong tương lai Web3 tại Trung Quốc. Trong trường hợp đó, ngày sẽ càng nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế hơn”.
Tương lai của NFT tại Trung Quốc có thể “dễ vỡ”
Ben Caselin, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược tại sàn giao dịch tiền mã hóa AAX, cho rằng “NFT có thể được chấp nhận tại Trung Quốc” và được coi là đồ sưu tầm kỹ thuật số. “NFT có thể được phát hành trên những nền tảng Blockchain lai hoặc được cấp phép hạn chế hơn để ngăn chặn những người nắm giữ không đầu cơ vào các thị trường thứ cấp”, ông nói thêm.
Quan điểm của Caselin cho rằng, trong khi những thị trường nội địa có thể phát triển trong một thời gian, NFT được cấp phép không mang lại nhiều tính năng hay lợi thế cốt lõi, như là quyền sở hữu. Vì vậy, dù thị trường có thể sôi nổi nhưng không thực sự có lợi bằng NFT thông thường.
Jake Fraser, trưởng bộ phận phát triển doanh nghiệp tại Modul Productions – một nền tảng kinh doanh phi tập trung điện ảnh và phim truyện dựa trên NFT – tin rằng sẽ có rất nhiều cơ hội đối với thị trường Trung Quốc, đặc biệt là với NFT.
“Luật pháp sẽ liên tục được cập nhật và các công ty sẽ luôn chỉnh sửa chính sách của họ, nhưng những cải tiến vẫn đang diễn ra. Một lĩnh vực trong thị trường NFT của họ đang trên đà phát triển là “game hóa”. Sẽ rất thú vị khi chứng kiến các ứng dụng thực tế khác nhau từ điều này”, ông nói.
Cuối cùng, Fraser nhấn mạnh rằng việc trao đổi NFT vẫn là một ý tưởng mới mẻ trên toàn cầu, và cho tới thời điểm này, ông vẫn chưa thấy chính phủ nào áp đặt quy định chính thức. Mặc dù đã có luật điều chỉnh việc giao dịch tiền mã hóa và ông cũng tin rằng luật pháp là không thể tránh khỏi, nhưng miễn là nó không quá hà khắc, những sự phát triển sẽ “rất tốt cho nền công nghiệp này”.
Không phải ai cũng đồng tình
Trái ngược với khẳng định của Caselin rằng NFT đang bị kiểm soát chặt chẽ tại Trung Quốc, Vijay Pravin Maharajan, nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành của bitsCrunch – một công ty phân tích NFT – nói rằng danh sách NFT đang được giao dịch bằng nhân dân tệ đang tiếp tục tăng lên và chính phủ Trung Quốc sẽ sớm chấp nhận loại tài sản này.
Ông nói thêm rằng: “Những quy định và thỏa thuận nghiêm ngặt về NFT và đồ sưu tầm kỹ thuật số giúp hình thành ngành công nghiệp này. Chính phủ Trung Quốc đang muốn đảm bảo rằng NFT an toàn và được kiểm soát. Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc là một nước đi đầu trong công nghệ Blockchain. Vì vậy, chúng ta sớm có thể chứng kiến Web3 phát triển từ quốc gia này”.
Mahajaran nói rằng, ngược với những quan điểm phổ biến, Trung Quốc thực chất đang đón nhận NFT bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng của họ “độc lập với tiền mã hóa”. Ông tin rằng việc gián đoạn khuôn khổ NFT truyền thống và theo một mô hình kinh doanh mới là bình thường vì những tài sản này là độc nhất và có rất nhiều cách để có thể tạo ra, phát hành và giao dịch chúng.
“Mặc dù cho tới hiện nay sự phát triển còn chậm, chúng ta sẽ thấy xu hướng tích cực với sự chấp nhận NFT mặc cho những lệnh cấm tiền mã hóa và ảnh hưởng của chúng”, ông cho biết.
Vì vậy, khi chúng ta tiến tới một tương lai được thúc đẩy bởi công nghệ phi tập trung, như là NFT, sẽ rất thú vị để chứng kiến một quốc gia đi đầu và làm rung chuyển nền tài chính như Trung Quốc tiếp tục phát triển tầm nhìn kỹ thuật số của họ và kiểm soát những tài sản này.