Advertisement
Trong thế giới tiền điện tử, các dự án thường gọi vốn qua các sự kiện bán token cho các quỹ và cộng đồng. Nhóm dự án sẽ sử dụng số tiền thu được để phát triển sản phẩm. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả các nhà đầu tư quyết định bán token của họ cùng một lúc?
Trong khi nghiên cứu và đầu tư vào các dự án, chúng ta thường bắt gặp khái niệm cliffing và vesting. Trong bài viết này, hãy cùng Ecoinomic.io sẽ tìm hiểu hai khái niệm này và bàn luận về tầm quan trọng của cliffing & vesting khi quyết định đầu tư vào các dự án.
Cliffing là gì?
Cliff là khoảng thời gian token bị khóa. Trong thời gian này, không có token nào được phân phối. Thời gian khóa token thường được tính từ thời điểm TGE – thời điểm mà một dự án bắt đầu tạo token trên blockchain.
Thông thường thì cliff sẽ áp dụng cho các phần token được phân bổ cho team, cố vấn hoặc nhà đầu tư chiến lược, giúp người mua yên tâm là sẽ không bị “xả” sau khi token được phát hành.
Ví dụ: “Token của nhóm dự án có cliff 12 tháng” nghĩa là 12 tháng đầu team sẽ không nhận được token, và token sẽ được phân phối từ tháng 13.
Không phải dự án nào cũng có thời gian cliff, tùy thuộc từng đối tượng và mục tiêu của dự án mà thời gian khóa token sẽ khác nhau.
Vesting là gì?
Vesting là quá trình mở khóa token, trong đó thời gian vesting là khoảng thời gian token được trả dần theo từng đợt, cho đến thời điểm cuối cùng là nhận được toàn bộ token.
Ví dụ: “Vesting: 40% token mở khóa ở thời điểm TGE và 60% token trong 3 tháng tiếp theo”, nghĩa là ở thời điểm dự án bắt đầu tạo token, bạn sẽ nhận được 40% token đã mua, và nhận 20% lượng token mỗi tháng trong 3 tháng tiếp theo.
Phân biệt Cliffing và Vesting
Hai khái niệm Cliffing và Vesting đều nói về việc token bị khóa trong một thời gian nhất định, tuy nhiên vẫn có một số điểm khác biệt cơ bản để phân biệt Cliffing và Vesting
Cliffing: Tất cả các token đều bị khóa trong thời gian cliffing
Vesting: Một bộ phận token được mở khóa từ lúc bắt đầu vesting, lượng token còn lại vẫn bị khóa và việc mở khóa sẽ theo lịch vesting của dự án và phân phối theo từng đợt cho đến khi hoàn thành phân phối tất cả token.
Vesting hoạt động như thế nào?
Khi một dự án lên lịch trình vesting và bắt đầu tạo token trên blockchain, nó sẽ tạo một Hợp đồng thông minh để thiết lập các điều kiện của quá trình khóa token.
Lịch vesting token được thông báo đến người dùng trên các kênh mạng xã hội, hoặc thường có trong Whitepaper của dự án. Khi thỏa mãn thời gian và các điều kiện đã đặt trước đó, lượng token bị khóa trong hợp đồng sẽ được phân bổ.
Mỗi dự án được tự do quyết định thời gian vesting của nó sẽ là bao lâu, cũng như cách họ sẽ phát hành token. Khi các token được mở khóa, chủ sở hữu token sẽ nhận token và có toàn quyền kiểm soát bán hoặc chuyển lượng token này.
Có 2 cách nhận token tùy thuộc từng dự án:
Manual vesting: khi token mở khóa, người dùng nhận token của họ theo cách thủ công bằng cách truy cập website của dự án hoặc bên thứ ba, thường là launchpad để claim (nhận) token về ví.
Automated vesting: token sẽ được tự động phân phối vào ví người dùng khi đến thời hạn mở khóa.
>>> Xem thêm: IEO là gì? Vì sao IEO lại hot đến thế?
Phân loại Vesting
Linear vesting
Linear vesting (Vesting tuyến tính) là cách đơn giản nhất để thiết lập lịch trình vesting token của dự án. Các token được phân phối thành các phần bằng nhau trong một thời gian nhất định.
Ví dụ: “Linear vesting 100% token trong vòng 10 tháng”, tức là mỗi tháng 10% lượng token sẽ được mở khóa và kéo dài trong 10 tháng.
Graded vesting
Graded vesting (Vesting tùy chỉnh) cho phép các dự án có thể chọn tần suất phân phối token tùy chỉnh, lượng token mở khóa khác nhau trong từng đợt.
Ví dụ: Lịch vesting 10% token trong tháng đầu tiên, 20% trong tháng thứ 2 và 70% trong 2 tháng tiếp theo.
Những người cần quan tâm đến lịch vesting của dự án
Đầu tiên là những nhà đầu tư giai đoạn đầu mua token của dự án trong các vòng gọi vốn tư nhân (vòng private hoặc vòng cộng đồng).
Thứ hai là các thành viên của nhóm dự án, ban cố vấn và các đối tác của nó như là động lực cho sự trung thành và đóng góp của họ cho dự án.
Ngoài ra lịch trả token cũng là thông tin mà nhiều traders, holders quan tâm để theo dõi sự biến động giá của token dự án.
Tầm quan trọng của cliffing & vesting với dự án
Đảm bảo sự ổn định của giá token
Khi một dự án thực hiện TGE và bắt đầu niêm yết token trên các sàn giao dịch, một số nhà đầu tư thường có xu hướng bán token ngay thời điểm đó để kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Điều này khiến giá token giảm mạnh và tạo tác động tiêu cực đến sự phát triển của dự án.
Nghiêm trọng hơn, khi những nhà đầu tư sở hữu lượng lớn token dự án dễ dàng thao túng giá token trên thị trường, gây ra những biến động mạnh trong nguồn cung token, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những nhà đầu tư khác muốn giữ token trong dài hạn.
Vì lý do đó, một lịch trình vesting hợp lý sẽ giúp đảm bảo sự ổn định giá của token dự án, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và góp phần phát triển dự án một cách bền vững.
Bảo vệ các nhà đầu tư trước những biến động của thị trường
Thị trường tiền điện tử luôn biến động mạnh, việc nhận tất cả lượng token trong thời kỳ downtrend sẽ giảm giá trị và không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để hold token và chờ đến khi token tăng giá.
Lịch vesting phân bổ token qua các tháng khác nhau sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trước sự biến động của thị trường. Khi khóa token trong một khoảng thời gian xác định trước, bạn có nhiều thời gian hơn để thu được lợi ích khi giá token tăng.
Tạo động lực để phát triển dự án
Các sự kiện mở bán trước này thường được chạy trước khi một dự án được khởi chạy hoàn toàn, việc khóa token theo lịch vesting mang lại cho nhóm thời gian và ngân sách họ cần để hoàn thành việc phát triển sản phẩm của mình.
Một phần token được phân bổ cho team phát triển dự án và các đối tác giúp tạo động lực để họ đóng góp và gắn bó với với dự án. Thông thường, lượng token này sẽ bị khóa trong thời gian 1-2 năm, giúp họ có trách nhiệm hơn với dự án, cũng như tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tránh tình trạng các dự án lừa đảo và team dự án xả token khiến token rớt giá.
Ở một góc nhìn khác, lịch vesting cho các nhà đầu tư cũng giúp dự án xây dựng cộng đồng và sử dụng thời gian này để tăng khả năng hiển thị và thu hút một lượng lớn những người quan tâm đến sản phẩm mà họ đang xây dựng.
Kết luận
Tìm hiểu về cliffing và vesting là một phần không thể thiếu khi phân tích tiềm năng của dự án và đưa ra quyết định đầu tư. Một lịch vesting token tốt là điều quan trọng để dự án phát triển và thu hút các nhà đầu tư và cộng đồng.
Thông qua bài viết này, Ecoinomic.io mong muốn giúp bạn có thêm kiến thức về đầu tư cũng như lựa chọn dự án có lịch vesting phù hợp.
>>> Xem thêm: Binance Launchpad là gì? Nhân hàng lần tài khoản dành cho nhà đầu tư