Advertisement
“GameFi” là một tên gọi được kết hợp từ 2 từ tiếng anh: Gaming và Decentralized Finance (DeFi). Bên cạnh đó, nó còn được biết với tên trò chơi Play-to-Earn (P2E). Khái niệm về GameFi dựa trên sự giao thoa giữa công nghệ Blockchain, trò chơi và một số sản phẩm tài chính phi tập trung như NFT, yield farming, vay và cho vay, thuật toán đồng thuận stablecoins, v.v.
Trong bài viết này, Ecoinomic.io sẽ giới thiệu tới các bạn độc giả khái niệm GameFi, cách thức hoạt động của GameFi và các thông xin xoay quanh khái niệm này.
GameFi là gì?
Thuật ngữ GameFi lần đầu tiên xuất hiện trong một tweet của Andre Conje, cha đẻ lĩnh vực DeFi vào ngày 10/09/2020. Sự ra đời của thuật ngữ này giúp loại bỏ bớt các rào cản trong việc tham gia vào không gian tiền điện tử và cách mạng hóa các trò chơi truyền thông bằng cách cung cấp cho người chơi cơ hội có thu nhập khi chơi game.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn GameFi là gì, việc đơn giản nhất là so sánh GameFi và Game truyền thống
Trong các Game truyền thống, khi người chơi kiếm được vật phẩm (trang bị, vũ khí, trang phục, thú cưng,….) người chơi không thể trao đổi hay giao dịch trực tiếp chúng với nhau.
1 bài toán hóc búa xảy ra như sau: Nếu bên bán vật phẩm trước cho bên mua; liệu bên mua có chuyển tiền lại không? Nếu bên mua chuyển tiền trước, lỡ đâu bên bán quịt tiền, rồi bỏ trốn thì sao?
Trên thế giới mạng bao la, rất khó để tìm ra kẻ phạm tội, nhất là khi phần lớn trò chơi truyền thống thường có tính năng “Chặn” và sẽ không giải quyết tranh chấp của bất kì thương vụ mua bán nào diễn ra bên ngoài trò chơi.
GameFi giải quyết bài toán này thông qua công nghệ blockchain.
Hiểu đơn giản rằng: Cơ sở lưu trữ dữ liệu của trò chơi sẽ không được thao túng bởi bất cứ ai (kể cả nhà phát hành game) và sẽ tự động vận hành dựa trên các đoạn code được lập trình sẵn.
Trong các trò chơi thông thường, tài sản trong game mà bạn bỏ tiền ra mua không có giá trị ngoài đời thực. Người chơi mua các loại tài sản này nhưng không có quyền kiểm soát chúng.
Gamefi thường phát hành với một loại tiền tệ trong trò chơi tương ứng, thị trường và nền kinh tế token.
Chúng thường được điều hành và quản lý bởi cộng đồng. Người chơi sẽ sở hữu các vật phẩm trong trò chơi (gọi là NFT) chứ không phải các nhà phát triển trò chơi.
Người tham gia cũng có thể mua (đầu tư) NFT trong game và giao dịch, cho thuê hoặc bán chúng trên thị trường mở để thu lợi nhuận.
Điều đó đồng nghĩa, các vật phẩm trong game là các tài sản có thị trường mua bán dựa trên cộng đồng gamer. Bạn mua một vật phẩm trong trò chơi và có thể bán nó cho người chơi khác theo giá thị trường. Hoặc bạn cũng có thể cho những người tham gia khác thuê lại vật phẩm đó để kiếm thêm thu nhập.
Tiền tệ trong game – các token – là cryptocurrency, có thể được sử dụng để mua bán tài sản trong game.
Đồng thời, 24/7, gamer có thể đổi token của game đó lấy các cryptocurrency khác thông qua các sàn giao dịch phi tập trung DEX hoặc rút về tiền mặt qua các sàn giao dịch crypto uy tín.
Trên một khía cạnh khác, có thể hiểu GameFi đã tái định nghĩa khái niệm sở hữu tài sản trong game. Nó cũng thêm các layer bổ sung vào nền kinh tế dựa trên token và những tùy chọn mang lại lợi nhuận cao thông qua một số sản phẩm DeFi. Với số lượng người tham gia vào hệ sinh thái ngày càng tăng trường mạnh, GameFi được đánh giá là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của blockchain.
GameFi không yêu cầu cơ sở hạ tầng về máy chủ và có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công và gian lận trong trò chơi.
Những yếu tố trong một dự án GameFi
Một dự án GameFi cơ bản bao gồm 2 yếu tố chính sau:
NFT
Những tài sản trong một dự án GameFi thường tồn tại dưới dạng NFTs (nhân vật, đất, vũ khí, vật phẩm,…). Những nhà phát triển dự án có thể phát hành qua một đợt mở bán cho cộng đồng, những người muốn tham gia vào thời điểm dự án mới bắt đầu. Sau đó, những người chơi có thể sở hữu thông qua thị trường thứ cấp.
Những NFTs trong một dự án GameFi thường có khả năng tiến hóa lên một cấp bậc với giá trị cao hơn hay lai tạo ra những NFTs thứ cấp.
Token
Token là một trong những mảnh ghép quan trọng nhất của GameFi được hưởng lợi từ ưu điểm của blockchain. Khác với những trò chơi truyền thống thướng sử dụng Tiền pháp định (USD, VND,..), GameFi sử dụng những token của riêng nó làm tiền tệ lưu hành trong game, nó là xương sống cho mô hình kinh tế của bất kì trò chơi nào.
Những dự án thường chọn 2 cách lưu hành token khác nhau là single token (một token duy nhất) và dual-token (2 token phát triển song song).
Đối với mô hình single token, tất cả những tác vụ như quản trị, giao dịch, thanh toán, kiếm tiền của trò chơi sẽ được đảm nhận bởi duy nhất một token. The Sandbox là một trò chơi phát triển dựa trên mô hình này rất thành công.
Dual-token được chia thành 2 loại chính:
- Token quản trị: là token chính của game với số lượng giới hạn. Tương tự như các dự án tiền điện tử thông thường, token này là phương tiện để cộng đồng tham gia quản trị trò chơi.
- Token phần thưởng: là phần thưởng cho người chơi khi tham gia các hoạt động trong game. Số lượng token phần thưởng là không giới hạn, loại token này giúp người chơi sử dụng các tính năng trong game.
GameFi hoạt động như thế nào?
Trong GameFi, phần thưởng game có thể ở các dạng khác nhau, chẳng hạn như tiền điện tử, đất ảo, hình đại diện hoặc các tài sản trong trò chơi như vũ khí và trang phục…Mỗi dự án GameFi có một mô hình và nền kinh tế trò chơi khác nhau, và đa số tài sản trong các trò chơi là NFT, chạy trên blockchain và được giao dịch trên thị trường NFT.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, các tài sản trong trò chơi phải được chuyển thành NFT thì người sở hữu mới có thể bán hoặc giao dịch chúng.
Người chơi có thể chuyển các NFT lên các chợ giao dịch NFT (NFT marketplace) như Opensea để trao đổi, mua bán.
Các tài sản trong trò chơi thường sẽ mang lại lợi ích nhất định cho người chơi và cho phép họ kiếm được nhiều phần thưởng hơn nữa. Tuy nhiên, trong một số trò chơi, tài sản trong trò chơi không ảnh hưởng gì đến lối chơi và thu nhập của người chơi.
Người tham gia kiếm tiền dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào thiết lập của trò chơi. Người chơi có thể kiếm tiền bằng cách hoàn thành nhiệm vụ, thách đấu với những người chơi khác hoặc xây dựng các công trình để kiếm tiền trên mảnh đất của họ. Bên cạnh đó, một số trò chơi cho phép người chơi kiếm tiền bằng hình thức staking hoặc cho người chơi khác mượn tài sản trong game của họ.
Tính năng Play-to-Earn của GameFi
Vấn đề cốt lõi của GameFi là giúp người chơi có thể kiếm thêm thu nhập từ việc chơi game. Play-to-Earn là một chế độ chơi game mang tính cách mạng. Nó hoàn toàn khác với việc người chơi game truyền thống phải trả tiền để được chơi game. GameFi đòi hỏi người chơi phải tham gia đầu tư trước khi bắt đầu tham gia.
Như đã đề cập ở trên, các game truyền thống không giúp người chơi tạo ra bất kỳ lợi nhuận tài chính nào, tài sản trong trò chơi do công ty phát triển kiểm soát và nắm giữ. Ngược lại, các game P2E cho phép người chơi toàn quyền kiểm soát tài sản của họ. Tuy nhiên, cách thức kiếm lợi nhuận trong game P2E phụ thuộc vào mô hình và thiết kế của từng dự án GameFi.
Bên cạnh đó, người chơi có thể chơi các trò chơi P2E hoàn toàn miễn phí mà vẫn có thể nhận được phần thưởng. Nhưng một số dự án GameFi yêu cầu người chơi của họ mua NFT hoặc tiền điện tử trước khi chơi game. Do đó, điều quan trọng là những người có ý định tham gia vào không gian GameFi cần phải DYOR và đánh giá rủi ro một cách kỹ càng. Nếu trò chơi P2E yêu cầu khoản đầu tư lớn và chỉ nhận được phần thưởng nhỏ, hãy cân nhắc kỹ trước khi tham gia vì nhiều khả năng bạn có thể mất khoản đầu tư của mình.
Một trong những trò chơi P2E nổi tiếng nhất phải kể đến Axie Infinity. Đây là một game NFT trên Ethereum phổ biến, được phát hành từ năm 2018. Người chơi có thể sử dụng các vật nuôi dưới dạng NFT của mình để kiếm SLP token bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ hằng ngày và thách đấu với người chơi khác.
Người chơi cũng có thể nhận được phần thưởng AXS nếu họ đạt được một thứ hạng PvP nhất định. Ngoài ra, AXS và SLP có thể được sử dụng để tạo ra Axies mới, có thể được sử dụng trong trò chơi hoặc giao dịch trên thị trường NFT.
Ứng dụng DeFi
Một số dự án GameFi cung cấp các sản phẩm và tính năng DeFi như staking, khai thác thanh khoản (Liquidity mining) và yield farrming. Thông thường, người chơi có thể stake token trong trò chơi để kiếm phần thưởng, mở khóa các vật phẩm độc quyền và mở khóa các cấp độ trò chơi mới.
Các yếu tố trong DeFi có thể làm cho việc chơi game tiền điện tử trở nên phi tập trung hơn. Thậm chí, một số dự án GameFi còn cho phép cộng đồng tham gia vào quá trình đưa ra các quyết định cho dự án. Họ có thể đề xuất hoặc bỏ phiếu cho các bản cập nhật thông qua các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO).
Ví dụ, người chơi Decentraland có thể bỏ phiếu cho các chính sách trong trò chơi bằng cách khóa các token quản trị (MANA) của họ trong DAO. Càng khóa nhiều token, quyền biểu quyết của họ càng cao. Điều này cho phép người chơi game có thể trao đổi trực tiếp với các nhà phát triển trò chơi và đóng góp vào sự phát triển của nó.
Tương lai của GameFi
Số lượng các dự án GameFi đã bùng nổ vào năm 2021 và có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Tính đến tháng 3 năm 2022, có hơn 1.400 trò chơi blockchain được liệt kê trong DappRadar với các trò chơi phổ biến trên nhiều blockchain, chẳng hạn như Ethereum, BNB Smart Chain (BSC), Polygon, Harmony, Solana, v.v.
Song song với sự phát triển công nghệ Blockchain, GameFi cũng ngày một tăng tốc. Nhờ vào việc cung cấp cho người chơi khả năng sở hữu tài sản và kiếm tiền từ việc chơi game, GameFi đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.
Kết luận
Có thể nhận xét rằng, lĩnh vực GameFi thu hút nhiều người tham gia nhờ vào cơ chế kết hợp yếu tố giải trí với các ưu đãi tài chính. Đây được xem như một tùy chọn tham gia không gian tiền điện tử, ngoài giao dịch crypto hoặc các sản phẩm phái sinh.
Sự thành công của các dự án GameFi phổ biến trong cộng đồng đã mở ra tương lai tươi sáng cho ngành này. Tuy nhiên, tiến xa hơn nữa, GameFi rất cần cống hiến của các nhà phát triển cũng như sự ủng hộ và đóng góp tích cực từ những người tham gia thị trường.
Qua đây, Ecoinomic.io chúc bạn có trải nghiệm chơi game tuyệt nhất và có thể kiếm được nhiều lợi nhuận từ GameFi.
GameFi đang ở thời kì sơ khai, và các tính năng game vẫn đang dừng lại ở mức cơ bản. Nhưng khi các nhà phát triển có thể xây dựng các dự án thú vị hơn nữa, khoảng cách giữa kinh tế và nhu cầu giải trí của con người sẽ được thu hẹp.