Advertisement
Market Capitalization – Yếu tố không thể thiếu khi nhà đầu tư tìm hiểu hay đánh giá một doanh nghiệp.
Market Capitalization là gì?
Market Capitalization (Market Cap) là Vốn Hóa Thị Trường của một doanh nghiệp được đo bằng tổng giá trị tiền mặt tất cả các cổ phiếu của công ty, doanh nghiệp tại một thời điểm xác định. Trong lĩnh vực tiền số, đây được hiểu là giá trị tất cả các đồng coin đã được khai thác trên thị trường tại thời điểm được nói đến.
Nói cách khác, giá trị vốn hóa thị trường được coi là thước đo sơ bộ cho mức độ ổn định tài sản. Công ty có vốn hóa lớn giống như một con tàu lớn hơn có thể an toàn vượt qua biến động thị trường. Thị trường crypto cũng tương tự, dù rằng ngay cả Bitcoin – đồng tiền có vốn hóa lớn nhất, nhiều khi vẫn xảy ra biến động, nhưng khi một đồng coin có vốn hóa thị trường lớn, nhiều khả năng đây vẫn là khoản đầu tư ổn định hơn những đồng tiền có vốn hóa nhỏ. Song song với đó, những đồng tiền có giá trị vốn hóa nhỏ có xu hướng biến động lớn đem lại lợi nhuận đột biến hoặc cũng có thể thua lỗ nặng sau các giao động tự phát của thị trường.
Một số lưu ý khác liên quan: Bạn có thể bắt gặp thuật ngữ Circulating Supply (tổng số token đang lưu thông) hoặc Fully Diluted (Số token tối đa có thể được cung ứng), với Bitcoin, các chỉ số này lần lượt là: 18,5 triệu Bitcoin đang lưu thông (tính đến năm 2021, theo Chainalysis) và 21 triệu Bitcoin ( số Bitcoin tối đa có thể trên thị trường). Theo đó, mỗi nhà kinh tế sẽ có các cách tính vốn hóa khác nhau theo một trong hai phương pháp này.
Tại sao vốn hóa thị trường lại quan trọng?
Giá bán (Price) chỉ có thể đo lượng tiền tương ứng với đồng Coin đó. Để nói và đánh giá về các đồng tiền một cách toàn diện hơn, các nhà đầu tư sử dụng yếu tố Vốn hóa thị trường. Đây là dữ liệu quan trọng để phân tích, làm rõ và so sánh tiềm năng phát triển cũng như rủi ro giữa các đồng tiền số với nhau khi quyết định đầu tư. Giả dụ khi cân nhắc giữa hai đồng tiền số A và B, một đồng A đang có giá bán 1$ và đang có 400.000 coin A lưu hành trên thị trường, vốn hóa của A sẽ là 400.000$, đồng B đang có giá bán 2$ một đồng và đang lưu hành 100.000 coin trên thị trường, vốn hóa của B sẽ là 200.000$. Rõ ràng một đồng B được bán giá cao hơn một đồng A, nhưng nhìn tổng thể giá trị đồng A đang cao gấp đôi đồng B. Tuy nhiên cần lưu ý rằng vốn hóa thị trường của nhiều loại tiền điện tử có thể giao động đáng kể do tính biến động của chúng.
Nếu bạn chỉ nhìn vào mỗi giá của đồng coin B, bạn sẽ không biết được đồng coin A được đánh giá cao hơn. Tùy vào suy nghĩ của mỗi người, nhưng trường hợp trên đồng A đang có nhiều người đầu tư và sử dụng hơn chứng tỏ, đồng này có nhiều người đánh giá và tin tưởng hơn so với đồng B. Vì vậy, vốn hóa thị trường cũng giúp người dùng đầu tư thêm sáng suốt.
Vốn hóa thị trường của một đồng tiền số được chia thành 3 loại như sau:
Vốn hóa lớn: Bao gồm cả Bitcoin, Etherum, vốn hóa của những đồng này có giá trị trên 10 tỷ USD. Giới chuyên gia đánh giá đây là các khoản đầu tư có rủi ro thấp nhờ khả năng tăng trưởng rõ ràng và tính thanh khoản cao, đồng nghĩa với giá cả không bị biến động mạnh, kể cả khi lượng người rút tiền tăng cao.
Vốn hóa trung bình: Vốn hóa những đồng thuộc loại này trên thị trường giao động từ 1 đến 10 tỷ USD. Giá của chúng được đánh giá là có nhiều tiềm năng chưa được khai thác nhưng cũng kèm với rủi ro nhất định.
Vốn hóa nhỏ: Loại này có giá trị vốn hóa dưới 1 tỷ USD và là đối tượng dễ bị tác động mạnh nhất bởi tâm lý thị trường.
Xem thêm: Đầu Tư Và Đầu Cơ Khác Biệt Như Thế Nào?
Kết luận
Vốn hóa thị trường (Market Capitalization) là số liệu hữu ích để so sánh, đánh giá tổng giá trị của đồng tiền điện tử, xu hướng cũng như sự ổn định của thị trường và điều kiện tài chính của bạn. Tất những yếu tố này đều được cần đánh giá kỹ để đo lường chính xác rủi ro khi quyết định đầu tư.