Advertisement
Phân tích sóng là gì?
Phân tích sóng là một phương pháp dựa trên giả định rằng thị trường di chuyển theo một mô hình cụ thể được gọi là sóng. Đây là kết quả của tâm lý đám đông tồn tại trên tất cả các thị trường. Có nhiều lý thuyết sóng nâng cao khác nhau được sử dụng trong việc phân tích thị trường, trong đó nổi bật nhất là sóng Elliott.
Lý thuyết sóng Elliott
1. Sóng Elliott là gì?
Lý thuyết sóng Elliott, được phát triển bởi Ralph Nelson Elliott vào năm 1930, nó giải thích biến động giá thị trường, cho thấy giá thị trường biến động như thế nào (theo một mô hình hiện nay được gọi là Elliott Wave), và mô tả biến động giá chứng khoán và hành vi tiêu dùng có thể được xác định.
Lý thuyết này trở nên nổi tiếng vào năm 1935, khi Elliott dự đoán mức đáy của thị trường chứng khoán một cách kỳ lạ và chính xác, từ đó Elliott Wave trở thành kim chỉ nam của hàng nghìn nhà quản lý danh mục đầu tư, thương nhân và nhà đầu tư tư nhân.
Ralph Nelson Elliott đã công bố lý thuyết về hành vi thị trường trong cuốn sách The Wave Principle vào năm 1938, nội dung được tóm tắt trong một bài báo trên tạp chí Financial World vào năm 1939 và được mô tả rộng rãi trong tác phẩm cuối cùng của mình, Nature’s Laws: The Secret of the Universe năm 1946.
Tóm lại, sóng Elliott là một lý thuyết mà các nhà đầu tư và thương nhân có thể sử dụng trong phân tích kỹ thuật. Nguyên tắc này dựa trên ý tưởng rằng thị trường tài chính có xu hướng tuân theo các mô hình nhất định bất kể khung thời gian. Về cơ bản, Lý thuyết sóng Elliott (EWT) phát biểu rằng các chuyển động thị trường tuân theo một trình tự tuần hoàn tự nhiên của tâm lý đám đông. Các mô hình được tạo ra theo tâm lý thị trường hiện tại, giảm giá và tăng giá xen kẽ.
2. Mô hình sóng Elliott cơ bản
Một chu kỳ hoàn chỉnh của sóng Elliott bao gồm 1 sóng đẩy (impulse wave) được đánh số từ 1 đến 5 và một sóng điều chỉnh (correction wave) được đánh thứ tự A-B-C; đồng thời được chia ra làm 2 xu hướng tăng (Bullish) và xu hướng giảm (Bearish):
Ở xu hướng tăng, chu kỳ sóng Elliott có 5 sóng thuộc pha tăng trong đó có sóng 1, sóng 3 và sóng 5 là những sóng tăng còn sóng 2 & 4 là những sóng giảm. 3 sóng còn lại ký hiệu A, B, C (các sóng trong mô hình sóng điều chỉnh) sẽ thuộc pha giảm với sóng A & C là sóng giảm còn sóng B là sóng tăng.
Ngược lại, chu kỳ sóng Elliott trong xu hướng giảm có 5 sóng thuộc pha giảm (mô hình sóng động lực) trong đó có sóng 1, sóng 3 và sóng 5 là những sóng giảm còn sóng 2 & 4 là những sóng tăng. 3 sóng còn lại ký hiệu A, B, C (mô hình sóng điều chỉnh) sẽ thuộc pha tăng với sóng A & C là sóng tăng còn sóng B là sóng giảm.
Sóng 1: Đây là bước sóng đầu tiên của chuỗi sóng Elliott. Người dùng thường không thực hiện các giao dịch tại sóng này mà sẽ đợi nó hình thành xong và chuyển sang bước sóng khác. Khi đó người ta mới nhận ra được mô hình sóng Elliott và tính toán được biên độ của các bước sóng tiếp theo.
Sóng 2: Mức độ hồi lại của sóng 2 ít nhất là 23% so với sóng 1, chủ yếu là ở mức 50% hoặc 68%. Nếu sóng 2 giảm xuống 100% so với sóng 1 thì đây không phải sóng Elliott và không thể áp dụng các lý thuyết về sóng Elliott.
Sóng 3: Sóng 3 luôn luôn cao hơn hoặc bằng sóng 1. Nếu sóng này lớn nhất thì dao động sóng sẽ có xu hướng trùng với tỷ lệ Fibonacci. Tức là lớn hơn sóng 1 khoảng 68% – 134%.
Sóng 4: Mức độ hồi lại của sóng Sóng 4 thường từ 38 % tới 61% so với sóng 3. Nếu sóng 3 lớn nhất thì sóng 4 thường chỉ hồi lại 23% hoặc 38% so với sóng 3.
Sóng 5: Đây là bước sóng quan trọng nhất của toàn bộ mô hình sóng Elliott. Sóng 5 bắt buộc phải có đỉnh sóng cao nhất thì dao động của toàn bộ mô hình mới có thể dự đoán được chính xác xu thế thị trường. Một số nguyên tắc của sóng 5 mà người dùng có thể tính toán được để áp dụng triệt để lý thuyết sóng Elliott:
- Dài tương đương hoặc bằng 61,8% chiều dài sóng 1;
- Dao động trong khoảng 38,2% – 61,8% tổng chiều dài từ chân sóng 1 đến đỉnh sóng 3;
- Bằng khoảng 161% sóng 3 hoặc 161% tổng chiều dài sóng 1 và sóng 3 (nếu sóng 5 có độ dài lớn nhất).
Sóng A: Mức độ hồi lại của sóng A thường bằng 38,2% của cả 5 sóng trước đó (1, 2, 3, 4, 5). Tương tự sóng 2, nếu sóng A giảm xuống 100% so với sóng 1 thì đây không phải sóng Elliott và không thể áp dụng các lý thuyết về sóng Elliott.
Sóng B: Mức độ hồi lại của sóng B thường ở mức 38,2% – 61,8% sóng A.
Sóng C: Thường rất ngắn và không thể đi qua điểm cuối sóng A. Tùy theo từng mô hình (Contracting Triangle hoặc Expanding Triangle) mà sóng C bằng 61,8% hay 161,8% sóng A. Tuy nhiên chiều dài tối thiểu phải bằng 61,8% sóng A.
Việc tính toán độ dài, tỷ lệ các sóng trong mô hình sóng Elliott khá phức tạp, nhưng hiện nay đã xuất hiện các công cụ tính toán, gọi là máy đếm sóng nhằm đưa ra kết quả nhanh và chính xác gần như tuyệt đối. Điều này giúp người dùng nhìn vào kết quả để dự đoán xu thế thị trường và đưa ra quyết định giao dịch chính xác.
3. Các cấp độ sóng trong lý thuyết sóng Elliott
- Grand Supercycle (Đại siêu chu kỳ): cấp độ lớn, sóng kéo dài nhiều thập kỷ, đôi khi cả thế kỷ.
- Supercycle (Siêu chu kỳ): cấp độ sóng kéo dài từ vài năm đến vài thập kỷ (khoảng 40-70 năm).
- Cycle (Chu kỳ): cấp độ sóng kéo dài từ 1 đến vài năm.
- Primary (Sơ cấp): cấp độ sóng kéo dài từ vài tháng đến 2 năm.
- Intermediate (Trung cấp): cấp độ sóng kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
- Minor (Nhỏ): cấp độ sóng kéo dài trong vài tuần.
- Minute (Khá nhỏ): cấp độ sóng kéo dài trong vài ngày.
- Minuette (Rất nhỏ): cấp độ sóng kéo dài trong vài giờ.
- Subminutte (Rất rất nhỏ): cấp độ sóng kéo dài trong vài phút.
Thực tế, khi giao dịch, người dùng không cần nhớ chính xác tên gọi các loại sóng này mà chỉ cần nắm vững các kiến thức về lý thuyết sóng Elliott là được.
4. Các nguyên tắc của lý thuyết sóng Elliott
Để áp dụng sóng Elliott, các nhà đầu tư và trader cần nằm lòng 3 quy tắc sau đây:
- Sóng 2 không bao giờ thấp hơn điểm bắt đầu sóng 1.
- Sóng 3 không bao giờ là sóng ngắn nhất trong ba sóng 1,3,5.
- Sóng 4 không bao giờ chạm tới đỉnh sóng 1.
5. Vận dụng lý thuyết sóng Elliott trong đầu tư
Sóng Elliott không phải là một kỹ thuật giao dịch thông thường nên không có phương pháp sử dụng chính xác hay có một ấn định cụ thể nào cho việc đặt lệnh. Sóng Elliott được coi như một công cụ dự đoán dài hạn để xác định các lệnh giao dịch có lợi nhất. Chẳng hạn, định thị trường đang được xác định ở chu kỳ sóng thứ 1, 3, 5, thì tập trung dùng lệnh long. Ngược lại khi thị trường đang ở các sóng 2, 4, A, C thì sử dụng lệnh short hay bán tài sản để chốt lời.
Kết luận
Hiệu quả của sóng Elliott vẫn đang được tranh luận gay gắt. Có ý kiến cho rằng tỷ lệ thành công của nguyên tắc sóng Elliott phụ thuộc nhiều vào khả năng của trader trong việc phân chia chính xác các chuyển động của thị trường thành các xu hướng và hướng điều chỉnh.
Thực tế, các sóng có thể được vẽ theo nhiều cách mà không nhất thiết phải phá vỡ các quy tắc của Elliot. Đồng nghĩa vẽ sóng chính xác là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm thực hành, mà còn mang tính chủ quan.
Do đó, nhiều ký kiến cho rằng Lý thuyết sóng Elliott không phải là một lý thuyết hợp pháp do tính chất chủ quan cao và dựa trên một bộ quy tắc được xác định lỏng lẻo. Tuy nhiên, đã có hàng nghìn nhà đầu tư và trader thành công, thu được lợi nhuận cao khi áp dụng các nguyên tắc của sóng Elliott.