Advertisement
Trong bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu ngưỡng hỗ trợ và kháng cự là gì, chúng bị phá vỡ như thế nào khi kỳ vọng của nhà đầu tư thay đổi. Sự thay đổi đó dẫn đến sự dịch chuyển của cung – cầu và làm thay đổi xu hướng giá hay còn gọi là trendline. Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về trendline.
Trendline là gì?
Trendline hay còn được gọi là đường xu hướng, thể hiện xu hướng giá của một tài sản. Xu hướng giá thể hiện sự thay đổi đồng hướng liên tục của giá (sự thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư). Trendline khác với ngưỡng kháng cự và hỗ trợ ở chỗ, xu hướng thể hiện sự thay đổi còn các vùng kháng cự và hỗ trợ chính là các rào cản đổi với sự thay đổi. Trendline chính là một đường thẳng nối đỉnh với đỉnh, hoặc đáy với đáy.
Mục đích của việc sử dụng trendline trong phân tích kỹ thuật
Trendline là một trong những chỉ báo đơn giản nhất mà bất cứ ai khi mới bước chân vào con đường trading cũng đều phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ cách sử dụng. Bởi nó là tín hiệu giúp dự đoán các xu hướng trong hành động giá. Trendline giúp các nhà phân tích xác định được giá của một tài sản đang vận động theo xu hướng nào. Từ đó tìm ra các vùng kháng cự và hỗ trợ để vào – ra lệnh hợp lý, giúp bảo toàn lợi nhuận và hạn chế rủi ro.
Các dạng đường trendline
Đường xu hướng tăng
Xu hướng tăng hay còn gọi là uptrend có đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước. Khi nối các đáy với nhau sẽ tạo ra một đường thẳng hướng lên trên. Chúng ta có thể hiểu rằng xu hướng tăng xuất hiện khi các ngưỡng hỗ trợ dịch chuyển lên mức cao hơn, tức là khi những người kỳ vọng thị trường tăng (phe bò – the bulls) đang thắng thế và đẩy giá tài sản lên mức cao hơn.
Đường xu hướng giảm
Xu hướng giảm (downtrend) được hình thành khi các đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Chúng ta có thể hiểu rằng xu hướng giảm xuất hiện khi các ngưỡng kháng cự dịch chuyển xuống mức thấp hơn – khi những người kỳ vọng thị trường giảm (phe gấu – the bears) đang thắng thế và đẩy giá xuống mức thấp hơn.
Đường xu hướng đi ngang
Xu hướng đi ngang (sideway) là trạng thái giá biến động ở biên độ nhỏ quanh một khu vực giá nhất định, các đỉnh và đáy thường đi ngang và khi nối chúng lại sẽ được một đường thẳng nằm ngang. Giai đoạn này gọi là giai đoạn tích lũy, giá đi ngang nên sẽ không có biến động nhiều.
Cách xác định đường trendline
Để vẽ đường trendline khá đơn giản, bạn chỉ cần nối các đỉnh và các đáy lại với nhau là đã tạo được một đường xu hướng.
- Xu hướng tăng: nối các đáy lại với nhau và đáy sau cao hơn đáy trước
- Xu hướng đi ngang: chọn các đỉnh hoặc các đáy rồi nối chúng lại với nhau
Hướng dẫn vẽ trendline trên tradingview
Cách 1: Vẽ trendline bằng cách nối các đỉnh hoặc các đáy
Bước 1: Tại giao diện của tradingview, chọn đường gạch chéo bên tay trái. Khi nhấp vào ký tự này sẽ thấy tên của nó là trendline.
Bước 2: Quan sát biến động của xu hướng giá đang diễn ra để chọn các đỉnh (nếu xu hướng giảm) hoặc chọn các đáy (nếu xu hướng tăng). Sau đó nối chúng lại với nhau và chờ diễn biến giá tiếp theo để cân nhắc điểm ra, điểm vào lệnh.
Cách 2: Sử dụng chỉ báo để vẽ trendline dành cho người mới
Bước 1: Tại mục “indicators”, trong ô tìm kiếm gõ “trendline” và chọn một chỉ báo bất kỳ.
Bước 2: Chỉ báo sẽ tự động vẽ ra các đường trendline theo xu hướng vận động của giá tại thời điểm đó
Trong ví dụ ở trên khi khi sử dụng chỉ báo có sẵn, bạn sẽ được hỗ trợ điểm vào lệnh và biết khi nào nên chốt lời, từ đó giúp quản trị rủi ro tốt hơn và tránh tình trạng bị thua lỗ nặng khi giá không chạy theo xu hướng mà bạn dự đoán.
Một số lưu ý khi sử dụng đường trendline là gì?
Muốn vẽ được trendline thì cần ít nhất hai đỉnh hoặc hai đáy nhưng để tạo ra một đường xu hướng chính xác thì cần 3 đỉnh hoặc 3 đáy liên tiếp thỏa mãn các điều kiện ở bên trên.
Độ tin cậy của đường xu hướng phụ thuộc vào độ dốc của nó. Nếu trendline càng dốc thì độ chính xác của của xu hướng mà bạn dự đoán càng thấp và khả năng sẽ xảy ra đảo chiều.
Nếu giá chạm trendline nhiều lần mà không bị phá vỡ thì xu hướng giá vẫn tiếp tục và ngày càng trở lên mạnh hơn.
Kết luận
Bởi vì các nhà giao dịch cá nhân sử dụng phân tích kỹ thuật thường xuyên hơn so với phân tích cơ bản, các đường xu hướng đặc biệt phổ biến trong giao dịch tiền điện tử. Theo các chuyên gia kỹ thuật, hành động giá và các công cụ phân tích như đường xu hướng là những cách đáng tin cậy nhất để đánh giá tâm lý của các nhà giao dịch.