Advertisement
Slippage (Trượt giá) là một hiện tượng phổ biến trong thị trường tài chính
Slippage (Trượt giá) là một hiện tượng phổ biến trong thị trường tài chính bao gồm ngoại hối, chứng khoán, hợp đồng tương lai, tiền điện tử. Trượt giá ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các nhà đầu tư, đặc biệt là trên các Sàn giao dịch phi tập trung như Uniswap do mức độ biến động giá cao.
Trong bài viết dưới đây, Ecoinomic.io sẽ cung cấp những thông tin cơ bản, dễ hiểu nhất về slippage và cách hạn chế trượt giá khi giao dịch tiền điện tử.
Slippage là gì?
Slippage (trượt giá) là sự chênh lệch giữa mức giá kỳ vọng và giá giao dịch được thực hiện trong thực tế.
Hiện tượng trượt giá xảy ra khi chênh lệch giá mua/bán thay đổi đột ngột giữa thời điểm lệnh market được yêu cầu và thời điểm khi một sàn giao dịch hoặc nhà tạo lập thị trường khác thực hiện lệnh.
Khi đặt lệnh mua hoặc bán trên sàn giao dịch, các nhà giao dịch tiền điện tử kỳ vọng lệnh đó sẽ được thực hiện với mức giá chính xác đã thiết lập. Tuy nhiên, do sự biến động giá giữa thời điểm lệnh vào thị trường và khi giao dịch giao dịch hoàn tất, họ phải mua hoặc bán với giá cao hơn hoặc thấp hơn so với dự định.
Ví dụ, một nhà giao dịch đặt lệnh mua 100 đồng coin XYZ với giá 50 đô la. Tuy nhiên, vào thời điểm thực hiện giao dịch, giá đã tăng lên 51 đô la. Nhà giao dịch đã trải qua mức slippage 1 đô la.
Giá của tài sản có thể dao động thường xuyên tùy thuộc vào khối lượng và hoạt động giao dịch.
Phân loại slippage
Slippage ảnh hưởng đáng kể đến giao dịch và chiến lược đầu tư tùy thuộc vào loại slippage khác nhau: tích cực hoặc tiêu cực.
Đối với lệnh mua:
- Slippage tích cực: giá thực hiện thực tế thấp hơn giá kỳ vọng, điều đó mang lại cho nhà giao dịch tỷ lệ mua tốt hơn so với dự định ban đầu.
- Slippage tiêu cực: giá thực tế cao hơn giá kỳ vọng, khiến nhà giao dịch chịu tỷ lệ mua bất lợi.
Đối với lệnh bán:
- Slippage tích cực: giá thực tế cao hơn dự kiến, các nhà giao dịch thu được lợi nhuận lớn hơn.
- Slippage tiêu cực: giá thực tế thấp hơn dự kiến, nhà đầu tư phải chịu lỗ.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký tài khoản Binance mới nhất update 2022
Nguyên nhân dẫn đến slippage
Slippage thường xảy ra trong thời kỳ giá cả thị trường biến động lớn, hoặc khi thị trường có tính thanh khoản thấp.
Biến động thị trường
Khi thị trường biến động mạnh, giá thay đổi quá nhanh khiến mức giá thực hiện lệnh thay đổi đáng kể so với lúc vào lệnh.
Tính thanh khoản thấp
Một số loại tiền điện tử có tính thanh khoản thấp, ít phổ biến trên thị trường và không được giao dịch thường xuyên. Số lượng giá chào bán ít trong khi số người mua không nhiều, chênh lệch giữa giá mua thấp nhất và giá bán cao nhất rất lớn, gây ra những thay đổi đột ngột về giá.
Front Running Bot
Front Running bot đề cập đến việc các bot đặt lệnh trước một giao dịch khi biết trước ảnh hưởng của giao dịch đó đến giá cả trong tương lai, từ đó kiếm lời từ phần slippage.
- Front-running bots thấy một giao dịch có độ slippage đủ lớn, tác động đến giá đủ cao để thu về lợi nhuận.
- Trả khoản phí gas lớn để đặt lệnh buy lên trước lệnh của người dùng trên cùng một khối với volume hợp lý
- Bán ngay sau khi lệnh người dùng được thực hiện. Bots kiếm lợi nhuận từ phần trượt giá của nhà giao dịch khác, tạo điều kiện để mua ở giá thấp bán ở giá cao.
Cách tính slippage
Độ trượt giá là một yếu tố quan trọng cần xem xét khi giao dịch và có thể có tác động đáng kể đến kết quả giao dịch. Các nhà giao dịch cần tìm cách giảm thiểu sự trượt giá và tính toán mức độ trượt giá trước khi bắt đầu giao dịch.
Mức độ slippage có thể được thể hiện theo hai cách: theo đô la và theo tỷ lệ phần trăm.
Số tiền slippage được tính bằng giá thực tế trừ đi giá kỳ vọng.
Tuy nhiên, hầu hết các nền tảng giao dịch đều biểu thị mức slippage theo tỷ lệ phần trăm.
% slippage = Số tiền trượt giá / (LP – EP) * 100
Trong đó, EP (expected price) là giá kỳ vọng dự kiến.
LP (limit price) là mức giá giới hạn khi đặt lệnh limit.
Cách giảm thiểu slippage khi giao dịch
Trong một thị trường đầy biến động như tiền điện tử, các nhà đầu tư khó có thể tránh được sự slippage khi giá coin/token thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, họ có thể áp dụng một số phương pháp nhất định để giảm thiểu tổn thất trượt giá.
Tránh giao dịch trong thời gian thị trường biến động
Thị trường có xu hướng biến động mạnh trước những sự kiện và thông báo quan trọng, ảnh hưởng đến giá cả và gây ra hiện tượng trượt giá. Ví dụ điển hình là những chính sách điều chỉnh lãi suất của Fed tác động mạnh mẽ đến giá trị tài sản trên thị trường đầu tư. Bên cạnh đó, thông báo nâng cấp của các dự án như The Merge, Bitcoin Cash hoặc hard fork Cardano ảnh hưởng rất nhiều đến giá coin/token.
Các nhà đầu tư nên dành thêm thời gian nghiên cứu và phân tích trước khi đưa ra quyết định giao dịch trong những thời điểm này.
Đầu tư vào các tài sản phổ biến có tính thanh khoản cao
Một trong những phương pháp giảm thiểu rủi ro slippage là đầu tư vào các tài sản phổ biến với tính thanh khoản cao như EUR/USD hoặc USD/JPY thay vì những cặp không phổ biến như TRY/ZAR.
Sử dụng phí gas cao hơn
Tốc độ xác nhận và thời gian xử lý giao dịch càng lâu sẽ khiến giá biến động càng mạnh, dẫn đến rủi ro slippage tăng cao. Khi sử dụng phí gas cao hơn, giao dịch của bạn sẽ được thực hiện ngay lập tức, hạn chế hiện tượng slippage. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là chi phí giao dịch cao, vì vậy nhà đầu tư cần cân nhắc và điều chỉnh mức phí phù hợp với khối lượng giao dịch và lợi nhuận kỳ vọng.
Thực hiện giao dịch trên các giải pháp layer 2
Các giải pháp mở rộng quy mô layer 2 giúp bạn giảm thiểu phí gas nhưng vẫn có thể giao dịch nhanh chóng, từ đó kiểm soát trượt giá dễ dàng hơn.
Chia các giao dịch mua lớn thành nhiều phần nhỏ
Khi trượt giá xảy ra, nhà đầu tư có thể chịu thua lỗ lớn khi giao dịch với khối lượng và quy mô lớn. Chênh lệnh trượt giá khi giao dịch 1 BTC so với 100 BTC có thể lên tới 10%.
Các nhà giao dịch có thể chia nhỏ số lượng mua thành nhiều giao dịch nhỏ hơn. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiều giao dịch, họ sẽ phải chịu phí gas lớn hơn. Chính vì vậy, các nhà giao dịch cần cân nhắc kỹ lưỡng để phân bổ và tối ưu hiệu quả giao dịch.
Điều chỉnh dung sai slippage
Các nền tảng giao dịch tiền điện tử thường cho phép bạn quyền tùy chọn điều chỉnh tỷ lệ phần trăm giá trị giao dịch của lệnh như một khoản chi phí slippage có thể chấp nhận được. Phần trăm này được gọi là khả năng chịu slippage của bạn. Giao dịch sẽ không được thực hiện nếu giá trị của giao dịch thực tế vượt quá khả năng chịu trượt giá của bạn.
Khả năng chịu slippage là sự chênh lệch giá giữa giá tại thời điểm xác nhận và giá thực tế của giao dịch mà nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận khi sử dụng hợp đồng hoán đổi (swaps). Dung sai của sự trượt giá được biểu thị dưới dạng phần trăm của tổng giá trị hoán đổi.
Trong trường hợp thị trường biến động hoặc nhóm thanh khoản thấp, nhà đầu tư có thể hoàn thành giao dịch nhanh hơn và tránh thua lỗ bằng cách chấp nhận tỷ lệ slippage và khả năng chịu trượt cao hơn.
Ví dụ nếu nhà đầu tư chọn dung sai là 5%, điều này có nghĩa họ chấp nhận tổng số tiền dao động trong khoảng hơn 5% hoặc kém 5% so với số tiền ban đầu được hiển thị trên nền tảng giao dịch.
Kết luận
Slippage – trượt giá là một hiện tượng phổ biến thường xuyên xảy ra khi giao dịch tiền điện tử. Chính vì vậy, các nhà giao dịch cần hiểu về trượt giá và khả năng chịu trượt để giảm thiểu thua lỗ và thực hiện các chiến lược đầu tư hiệu quả.
>>> Xem thêm: Cách sử dụng & đăng ký Bittrex dễ hiểu nhất cho người mới 2022