Advertisement
Các Sàn giao dịch phi tập trung như Uniswap, SushiSwap hoặc Pancakeswap thu hút người dùng bởi hai đặc tính: Công cụ tạo lập thị trường tự động (AMM) và Bể thanh khoản (Liquidity Pool). Các nền tảng này đem lại sự dân chủ khi ai cũng có thể tạo lập thị trường và kiếm được phí giao dịch mà không cần ủy thác tiền của bạn cho bất kỳ bên thứ ba nào.
Mặc dù việc cung cấp thanh khoản vào các sàn giao dịch phi tập trung này là một cách thú vị để khám phá thế giới tài chính phân tán, nhưng nó cũng đem lại nhiều rủi ro và sự đánh đổi. Rủi ro này được gọi là tổn thất tạm thời.
Bạn có thể đọc thêm về DEX, AMM và Liquidity Pool tại đây.
Khái niệm
Impermanent Loss hay Tổn thất tạm thời nghĩa là sự suy giảm giá trị tiền điện tử ký quỹ ban đầu khi cung cấp thanh khoản cho các AMM (Auto Market Maker). Điều này xảy ra do tỷ lệ giữa cặp coin bạn cung cấp thanh khoản thay đổi khi thị trường biến động mạnh.
Sự thay đổi càng lớn thì tổn thất của bạn càng cao. Đó là lý do vì sao AMM hoạt động tốt nhất với các cặp token có giá trị tương đương nhau, ví dụ như stablecoin và token được bao bọc. Nếu sự thay đổi tỷ giá giữa các cặp token duy trì trong phạm vi nhỏ thì mức tổn thất tạm thời là không đáng kể.
Ngược lại, nếu tỷ giá thay đổi lớn, những người cung cấp thanh khoản tốt nhất nên giữ token thay vì góp vốn vào bể thanh khoản. Vậy nhưng, ngay cả những bể hay xảy ra tổn thất tạm thời như ETH/DAI thì người cung cấp vẫn thu được lợi nhuận bởi vì phí giao dịch mà họ đã tích lũy.
Cách tính tổn thất tạm thời
Để quản lý các giao dịch, Uniswap sử dụng một công thức:
ETH pool * Token pool = giá trị không đổi (1)
Có nghĩa là, lượng Token mà người giao dịch nhận được cho ETH của họ và ngược lại được tính toán để sao cho sau khi giao dịch, tổng khối lượng của hai bể thanh khoản không thay đổi so với trước khi giao dịch. Vì vậy, đối với các giao dịch có giá trị rất nhỏ so với khối lượng bể thanh khoản, ta có công thức:
Giá ETH = Token pool/ETH pool (2)
Từ công thức (1) và (2), ta có thể tính toán được khối lượng của mỗi bể tại bất kỳ mức giá nhất định nào khi giả sử tổng thanh khoản không đổi:
ETH pool = √(giá trị không đổi/giá ETH)
Token pool = √(giá trị không đổi*giá ETH)
Từ những công thức này, hãy cùng xét một ví dụ: Một bể thanh khoản đang có 100 ETH và 10.000 DAI. Nếu một người cung cấp thanh khoản góp 1 ETH và 100 DAI vào bể thì họ đang có 1% cổ phần. Vì trong AMM, các cặp token đã ký gửi phải có giá trị tương đương, nên giá 1 ETH = 100 DAI tại thời điểm gửi tiền.
Giả sử, sau một lượng giao dịch, giờ đây giá của 1 ETH là 120 DAI. Vậy thì áp dụng vào những công thức trên, ta có thể tính được giá cổ phần của người cung cấp thanh khoản đó như sau:
ETH pool = 91,2871
DAI pool = 10954,4511
Vì người đó đang giữ 1% cổ phần trong bể thanh khoản, nên họ có 0,9129 ETH và 109,54 DAI. Bởi vì giá DAI tương đương xấp xỉ với USD, nên để thuận tiện cho tính toán, chúng ta sẽ quy đổi tất cả về DAI. Như vậy tại thời điểm giá 1 ETH = 120 DAI thì tổng thanh khoản của người này là 219,09 DAI.
Nhưng nếu người cung cấp thanh khoản giữ 1 ETH và 100 DAI ban đầu của họ thì tổng giá trị tại thời điểm này sẽ là 220 DAI. Từ đó có thể thấy, người này đã mất đi 0,91 DAI từ việc cung cấp thanh khoản vào Uniswap thay vì giữ những đồng ETH và DAI ban đầu của họ.
Tổn thất tạm thời cũng có thể được minh họa như biểu đồ dưới đây:
Có thể tính được rằng:
- Giá thay đổi 1,25 lần = lỗ 0,6%
- Giá thay đổi 1,50 lần = lỗ 2,0%
- Giá thay đổi 1,75x = lỗ 3,8%
- Giá thay đổi 2 lần = lỗ 5,7%
- Giá thay đổi gấp 3 lần = lỗ 13,4%
- Giá thay đổi gấp 4 lần = 20,0% lỗ
- Giá thay đổi 5x = lỗ 25,5%
Lưu ý rằng, tổn thất tạm thời xảy ra khi giá thay đổi theo bất kỳ hướng nào. Có nghĩa là khi giá tăng gấp đôi hay giảm một nửa thì đều cho ra lượng tổn thất tạm thời như nhau.
Xem thêm: API Key là gì? Hướng dẫn tạo khóa API trong Binance
Cách khắc phục
Lượng tiền mất đi này được gọi là “Tổn thất tạm thời” vì khi tỷ giá của các loại tài sản được ký gửi quay trở lại ban đầu thì tổn thất này biến mất. Tuy nhiên, nếu bạn rút vốn tại thời điểm tỷ giá đã biến động thì lượng tổn thất này trở nên vĩnh viễn. Vậy có những cách nào để những tổn thất này không trở nên vĩnh viễn?
Cách 1: Chờ tỷ giá giữa các cặp tiền quay lại như ban đầu.
Như đã nhắc ở trên, tổn thất này sẽ biến mất khi tỷ giá của các loại tài sản được ký gửi quay lại mức trước khi xảy ra biến động. Tuy nhiên, đây là một cách bị động và không có gì đảm bảo chắc chắn giá của các loại tài sản này sẽ trở lại như ban đầu.
Cách 2: Ngừng cung cấp thanh khoản khi thị trường sắp biến động mạnh
Trong nhiều trường hợp, lượng tổn thất của bạn là không đáng kể khi bạn vẫn có thể tạo ra lợi nhuận từ phí giao dịch bạn tích lũy được. Nhưng khi thị trường sắp bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh thì có thể việc cung cấp thanh khoản không thể bù đắp lại tổn thất tạm thời. Lúc này, dừng cung cấp thanh khoản là một việc khôn ngoan.
Cách 3: Chọn những bể thanh khoản có lợi nhuận lớn hơn tổn thất tạm thời
Các bể thanh khoản có khối lượng giao dịch càng nhiều thì lợi nhuận bạn có thể kiếm được càng lớn. Vì vậy, bạn có thể tìm đến những bể thanh khoản có lợi nhuận lớn nhất của AMM để bù lại khoản lỗ.
Cách 4: Chọn những bể thanh khoản có biến động thấp
Tổn thất tạm thời có thể được hạn chế khi giá của các cặp tiền duy trì ở mức ổn định, ví dụ USDT/BUSD là một cặp stablecoin như vậy. Nhưng ngược lại, dù chúng không gây tổn thất cho bạn nhưng lợi nhuận thu được thường thấp.
Kết luận
Tóm lại, nếu giá tài sản thay đổi kể từ khi ký gửi, người cung cấp thanh khoản có thể chịu tổn thất tạm thời. Vì vậy, hãy cẩn thận khi gửi tiền vào AMM, và đảm bảo rằng bạn đã hiểu rõ về tổn thất tạm thời trước khi quá tập trung vào khai thác lợi suất.