Advertisement
Masternode là gì?
Masternode là một full node (máy chủ hoặc máy tính có cấu hình cao) cung cấp các dịch vụ độc quyền, xác thực các giao dịch tức thời và tham gia quản trị mạng lưới thông qua việc bỏ phiếu về những thay đổi trong hệ sinh thái.
Nó được dự án Dash ra mắt vào năm 2014, áp dụng thuật toán Proof of Stake (PoS), khắc phục những nhược điểm của cơ chế Proof of Work (PoW), chia tách các thợ đào (miners) giúp tốc độ giao dịch nhanh hơn và đạt được sự đồng thuận phân tán.
Mỗi masternode có ROI khác nhau tùy thuộc vào giao thức và blockchain hoạt động của token. Ngoài ra, còn mang đến giải pháp giám sát tức thời các giao dịch ẩn danh và bảo mật hệ thống, giúp quá trình giao dịch diễn ra nhanh chóng.
Sau 6 năm vận hành, masternode đã thu hút hơn 160 đồng coin với giá trị hơn 1 tỷ đô.
Light node, full node và masternode
Light node, full node và masternode đều vận hành trên các giao thức, xác định các quy tắc, tính năng và chức năng của blockchain cụ thể. Tuy nhiên, mỗi loại đảm nhận vai trò và nhiệm vụ riêng.
Node là loại thiết bị tính toán cơ bản nhất hỗ trợ blockchain, lưu trữ, truyền tải và bảo quản dữ liệu trên mạng lưới. Khi các giao dịch mới trong một khối được một node truyền tới toàn bộ mạng, các node khác sẽ xác minh tính hợp lệ của giao dịch. Sự đồng thuận của mạng lưới đạt được khi khối đó được thêm vào tất cả các bản sao của blockchain.
Các node thông thường (light node hay regular node) sẽ chỉ tải xuống vừa đủ dữ liệu blockchain để xử lý và xác minh giao dịch. Chính vì vậy, khối lượng công việc của các node này là tối thiểu.
Để tăng cường bảo mật cho mạng lưới, full node chứa toàn bộ bản sao lịch sử giao dịch của blockchain và gửi các khối giao dịch mới để các masternodes xác minh.
Hiểu một cách đơn giản, masternodes là các full node thực hiện các chức năng chuyên biệt trên blockchain, có mức độ trách nhiệm và quyền hạn cao hơn trong việc bỏ phiếu về các thay đổi trong hệ sinh thái và thực hiện các hoạt động giao thức.
Masternode hoạt động như thế nào?
Masternode hoạt động giống như một máy chủ trên mạng blockchain phi tập trung mà nó hỗ trợ – chứa bản sao đầy đủ của sổ cái blockchain và cũng đảm nhận thêm các trách nhiệm khác. Nó có thể chi phối các sự kiện bỏ phiếu và thực thi các hoạt động giao thức tùy thuộc vào bản chất của blockchain.
Ví dụ: Trên Dash, các masternodes có nhiều quyền hơn một node thông thường và có thể được sử dụng để gửi các giao dịch riêng tư (PrivateSend) hoặc các giao dịch tức thì (InstandSend). Các masternodes của Dash cũng có vai trò quản trị và tham gia bỏ phiếu để xác định xem có chấp thuận hay từ chối các phát triển mới và sửa đổi giao thức trên mạng Dash hay không.
Các nhà vận hành masternode phải sở hữu một lượng tài sản thế chấp đáng kể (thường là coin gốc của blockchain) để vận hành một masternode. Họ được đảm bảo thu nhập hàng năm cho các dịch vụ cung cấp, điều này giúp củng cố sự ổn định và lòng trung thành của mạng.
Điều kiện trở thành masternode
Tùy thuộc vào từng loại tiền điện tử, việc thiết lập masternode diễn ra khác nhau. Tuy nhiên, quy trình hình thành masternode bao gồm việc tải xuống full node, staking token, cấu hình các node và kết nối với mạng lưới. Để trở thành Masternode, nhà vận hành cần đảm bảo các điều kiện sau:
- Sở hữu một lượng coin đáng kể. Ví dụ: Để chạy một masternode, Dash yêu cầu sở hữu 1.000 DASH – có giá trị tương đương với hàng chục nghìn đô la lên tới 1 triệu đô la.
- Cung cấp máy chủ chuyên dụng, địa chỉ IP tĩnh
- Kết nối 24/7.
Masternode được coi là một công cụ hữu ích để xác thực blockchain và là một phương tiện khả thi để tạo ra thu nhập thụ động cho những người vận hành.
Masternode có làm token tăng giá?
Trong ngắn hạn, Masternode có thể làm giảm nguồn cung của token. Theo lý thuyết cung cầu, giá token sẽ tăng khi cung giảm.
Tuy nhiên, masternode không ảnh hưởng nhiều đến giá token trong dài hạn. Vì sự tăng trưởng của token trong dài hạn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, điển hình là tỷ lệ lạm phát.
Sau một thời gian vận hành, masternode sẽ gây ra lạm phát. Tỷ lệ Lạm Phát càng cao, số người đăng ký tham gia vận hành masternode càng nhiều, lượng token tăng cao. Nếu mức lạm phát cao hơn nhu cầu sử dụng token, giá token sẽ giảm dần.
Lợi ích và rủi ro của Masternode
Lợi ích
Đối với hệ sinh thái
- Đảm bảo an ninh mạng lưới
Chủ sở hữu masternode có thể chấp nhận hoặc từ chối bất kỳ giao dịch nào được đảm bảo bởi các thợ đào, điều đó giúp ngăn chặn sự thông đồng cấu kết của các thợ đào làm gián đoạn tới hoạt động của hệ sinh thái tiền điện tử.
- Tính riêng tư
PIVX – một fork của DASH ứng dụng phiên bản tùy chỉnh riêng của giao thức Zerocoin, giúp cải thiện tính ẩn danh của tiền điện tử. Người dùng có thể chuyển đổi coin PIVX sang token zPIV, hoàn toàn tách biệt danh tính khỏi ID giao dịch. Chính vì vậy, tài sản được chuyển đổi ẩn danh và có thể xác minh thông qua masternode PIVX.
- Tính linh hoạt
Masternode ứng dụng thuật toán PoS giúp khắc phục những hạn chế của PoW, tránh việc khai thác tập trung các Liquidity Pool và tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Đối với người vận hành masternode
- Lợi nhuận thụ động
Chủ sở hữu masternode sẽ được nhận thu nhập thụ động từ khoản đầu tư và các dịch vụ cung cấp của họ cho mạng lưới. Phần thưởng nhận được dưới dạng các token của dự án tương ứng với mức độ thâm niên của các nhà khai thác masternode. Masternode được coi là một phương pháp hodling hiệu quả từ việc staking token và nhận lãi suất từ mạng lưới.
- Quyền biểu quyết
Các nhà khai thác masternode có thể tham gia biểu quyết trong các dự án mà họ hỗ trợ.
Rủi ro
Đối với hệ sinh thái
- Tính tập trung
Những dự án áp dụng masternode chỉ giới hạn một số lượng masternodes nhất định, điều đó tạo ra nền tảng tập trung hóa.
- 51% attack
Các chủ sở hữu masternode có thể thực hiện 51% attack, làm mất ổn định hệ sinh thái tiền điện tử và ảnh hưởng đến giá trị token còn lại. Tuy nhiên, khi thực hiện kế hoạch 51% attack, chủ sở hữu masternode sẽ không nhận được phần thưởng khối và mất một phần trong tổng số tiền stake.
Đối với người vận hành masternode
- Rào cản gia nhập để vận hành masternode
Việc vận hành một masternode đòi hỏi tài nguyên và kiến thức kỹ thuật mở rộng và nâng cao.
Quá trình lựa chọn masternode vô cùng nghiêm ngặt và kỹ lưỡng, chỉ những ai đủ điều kiện mới có thể trở thành chủ sở hữu masternode.
Nhà vận hành masternode cần đảm bảo sở hữu lượng coin nhất định để stake. Ngoài ra, phí lưu trữ máy chủ sẽ trở thành gánh nặng tài chính khi lượng dữ liệu tải lên và tải xuống, chi phí năng lượng để duy trì hoạt động của máy chủ khá lớn.
- Rủi ro giá token giảm
Để thực hiện masternodes, nhà vận hành phải khóa một số lượng token nhất định làm tài sản thế chấp để bắt đầu stake. Họ phải đánh đổi chi phí cơ hội và không thể sử dụng token đó để thực hiện các chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.
Đặc biệt, trong trường hợp tỷ lệ lạm phát tăng làm giá token giảm, người vận hành masternode sẽ đối mặt với nguy cơ lỗ vốn hoặc thậm chí mất trắng tài sản nếu không kịp rút token trước khi dự án thất bại.
Sự khác biệt giữa Masternode và Staking
Giống như staking, masternode tạo ra lợi nhuận từ việc khóa các token và nhận phần thưởng và lãi suất từ mạng lưới. Tuy nhiên, việc vận hành masternode khó tiếp cận và đòi hỏi yêu cầu cao hơn.
Đối với staking, nhà đầu tư chỉ cần khóa coin/token ở ví và nhận thưởng mà không cần chú trọng nhiều đến kỹ thuật. Trong khi đó, chủ sở hữu masternode cần sở hữu lượng coin đáng kể và yêu cầu máy chủ chuyên dụng, địa chỉ IP tĩnh và kết nối liên tục.
Hầu hết người dùng đều có thể tham gia staking một cách dễ dàng, thuận tiện; còn việc vận hành masternode có rào cản gia nhập khá cao với quá trình lựa chọn kỹ lưỡng.
Chính vì vậy, masternode phù hợp với các holder đầu tư dài hạn và hướng đến mục tiêu phát triển và bảo mật mạng lưới.
Tầm nhìn và khả năng thực thi của team Dev
Để thực thi dự án, đội ngũ phát triển cần xây dựng được hệ sinh thái đa dạng, thu hút nhiều người tham gia đầu tư, thúc đẩy nhu cầu sử dụng của token.
Bên cạnh đó, đội ngũ cần tạo ra cộng đồng đông đảo với sự hỗ trợ vững chắc, tạo dựng được niềm tin về tầm nhìn và sự phát triển của dự án.
Kết luận
Masternode là một giải pháp đầu tư hiệu quả cho những nhà đầu tư kỳ cựu, giàu kinh nghiệm, có tầm nhìn dài hạn và sở hữu một nguồn vốn lớn trên thị trường.
Tuy nhiên, đối với những người mới gia nhập thị trường tiền điện tử hay số vốn chưa vững chắc, ICO, IEO sẽ là những kênh đầu tư phù hợp hơn masternode.